Biểu tượng rồng qua gốm Trần Độ

Triển lãm “Biểu tượng rồng qua gốm của Trần Độ” tại điện Kiến Trung thu hút du khách nhí bởi vẻ đẹp tinh xảo của 60 tác phẩm rồng được phóng tác từ hình tượng rồng truyền thống, tái hiện qua bàn tay của nghệ nhân Trần Độ.


Những du khách nhí thích thú xem triển lãm tại điện Kiến Trung

Tại không gian tầng 2 của điện Kiến Trung – Đại Nội, du khách nhí sẽ thích thú ngắm nhìn những tác phẩm tinh xảo được trưng bày. Gần 60 tác phẩm, đa số lấy cảm hứng từ hình tượng rồng trên ấn của Triều Nguyễn đã được Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Trần Độ phóng tác một cách tinh xảo. Với họa tiết, hoa văn đến mức hoàn chỉnh và sinh động, các tác phẩm rồng lại mang một vẻ đẹp mới của thông điệp tinh hoa tỏa sáng từ vẻ đẹp cổ xưa.

Những tác phẩm rồng ở không gian triển lãm với đủ kiểu dáng, màu sắc đang thi nhau vươn lên dáng thế với khát vọng và ước nguyện cùng những dự cảm tốt lành. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, để thể hiện thành công dòng sản phẩm rồng Việt, nghệ nhân Trần Độ đã thực hiện thảo luận, tham khảo tại các bảo tàng và các đơn vị bảo tồn di tích.

Nghệ nhân Trần Độ đã tham khảo được tài liệu và tiếp cận nguồn hiện vật, cổ vật liên quan đến hình tượng con rồng Việt qua các thời kỳ lịch sử. Đó là nguồn tài liệu vô cùng cần thiết để nghệ nhân bồi dưỡng tài nguyên sáng tạo. Trần Độ, một nghệ nhân nổi tiếng trong làng gốm Việt Nam, đã kiên trì tìm cho sản phẩm của mình những nét riêng, mang đậm tinh hoa văn hóa dân tộc.

Đến với Huế tham gia Festival, nghệ nhân Trần Độ mang đến bộ sưu tập rồng gồm 57 tác phẩm, trong đó 56 tác phẩm trưng bày tại triển lãm, 1 tác phẩm đặt tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Để hoàn thiện các tác phẩm này, ông ấp ủ ý tưởng từ nhiều năm trước, sau đó cùng 10 nghệ nhân của xưởng gốm Trần Độ mất một năm rưỡi thực hiện để kịp ra mắt trong năm Giáp Thìn 2024.

Theo NNND Trần Độ, để có những tác phẩm hoàn thiện, khâu nào cũng rất quan trọng. Ở Bát Tràng gọi “nhất xương, nhì men, tam tích, tứ họa”, tất cả những gì liên quan đến 4 khâu này đều không bỏ được. Trong 86 chiếc kim ngọc bảo tỷ, ông chú trọng nhất là ấn Hoàng đế Chi bảo, Sắc mệnh Chi bảo và Tề gia trị quốc. Đây là 3 ấn đặc biệt nhất trong bộ ấn Triều Nguyễn, chứng minh quyền lực, sự kiện trong đất nước thời bấy giờ.

Làng Bát Tràng đã gắn bó với Huế từ cách đây hàng trăm năm, bắt đầu từ những viên gạch, viên ngói Bát Tràng gắn kết các công trình di sản của Kinh đô Huế xưa. Nghệ nhân Trần Độ lựa chọn thực hiện bộ sưu tập rồng trên gốm để trưng bày tại Festival lần này, với mong muốn làm một điều gì đó ý nghĩa tặng cho Huế.

Sẽ tặng cho Huế

Với du khách yêu nghệ thuật gốm và di sản văn hóa Huế, triển lãm “Biểu tượng rồng qua gốm của Trần Độ” rất thú vị và bổ ích. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, TS. Phan Thanh Hải cho biết, NNND Trần Độ đã từ cảm hứng của mình trong việc nghiên cứu bộ ấn tín bằng vàng, ngọc của Triều Nguyễn để tạo ra những tác phẩm gốm mạ vàng. Được trưng bày tại triển lãm, các tác phẩm này được chuyển hóa từ hệ thống ấn của hoàng đế trên chất liệu gốm mạ vàng thành những tác phẩm đẹp, sang trọng, giúp người xem hiểu thêm về quan niệm của ông cha ta về tính biểu tượng của quyền lực và vẻ đẹp nghệ thuật của hình tượng rồng.

Nguồn thông tin được tham khảo từ: baothuathienhue
Nội dung được biên tập, sáng tạo thêm bởi: thuathienhue_org

About Nhóm biên tập Thừa Thiên Huế

Check Also

Âm hưởng Nam Bộ giữa lòng Cố đô

Nhà hát Cao Văn Lầu với tiết mục “Bạc Liêu khúc hát nghĩa tình” đã …