Nhà may Evita sẽ đến tận nơi khách yêu cầu để tư vấn, may đo
Nguyễn Đức Thành Nhân (bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế) và Hoàng Trần Trọng An (gia sư môn Anh văn) sau một lần vô tình gặp gỡ, nhìn phong cách ăn mặc của đối phương có nhiều điểm chung mà bắt chuyện làm quen. Họ trở thành bạn với “gu” riêng về ăn mặc.
Theo An, Nhân là một trong những “dân chơi” âu phục cổ điển thuộc “đời đầu” của Huế. Nhân từng viết nhiều bài trên các blog thời trang, thậm chí đang viết sách về phong cách này, và chính Nhân đã giúp đỡ anh rất nhiều về kiến thức phục trang cổ điển. Cuối 2021, trong một lần vô tình gặp mưa khi đang uống cà phê, họ cười đùa: “Lỡ xui rủi té xe thì chắc bộ đồ này phải hơn 10 ngày nữa mới có thể mặc lại, hay là mình tự may luôn nhỉ?”. Như quả đã chín, vài ngày sau, nhà may Evita chuyên âu phục cổ điển chính thức được hai chàng trai thành lập với mục tiêu đem phong cách âu phục cổ trở lại… với những người từng biết và thân thiết hơn với giới trẻ Cố đô.
Một bộ classic menswear (âu phục cổ điển) hoàn chỉnh thường bao gồm blazer (một loại áo khoác dáng dài, khá giống vest), waistcoat (gi lê), quần âu, áo sơ mi, cà vạt, giày âu (oxford – nắp giày liền thân, derby – nắp giày tách khỏi thân, và loafer – giày tây dạng xỏ cổ ngắn). Tuy nhiên, ngày nay classic menswear đã được định nghĩa lại với nhiều cách điệu. Có thể đơn giản là quần tây áo sơ mi, blazer kết hợp quần jeans hay áo polo kết hợp quần tây. Nói chung, tất cả các phong cách khiến người đàn ông toát lên vẻ thanh lịch đều được xếp vào classic menswear.
Bên cạnh các trào lưu cách tân, trở lại cổ điển hiện cũng được các bạn trẻ Huế nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung yêu thích và nhiệt tình chào đón trở lại. Ở Huế, để có một bộ âu phục mang phong cách cổ điển, các nhà may nổi tiếng trên đường Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Mai Thúc Loan hay một số tiệm âu phục may sẵn hiện vẫn có thể đáp ứng. Tuy nhiên, cả hai hướng đó đều có một số bất cập.
Anh Nhân chia sẻ: “Các thợ may đa phần chỉ là thợ chứ không phải người chơi âu phục cổ điển, đồng nghĩa với việc họ có kỹ thuật nhưng lại thiếu sự hiểu biết về phong cách này bởi ít tìm hiểu. Kỹ thuật của họ thường hướng tới cái mới nên thiếu những nguyên tắc của âu phục cổ. Khi khách đòi hỏi công thức cũ khiến họ lúng túng nhiều hơn “thạo việc”.
Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi những người thợ gần như đều làm vì đó là công việc, vì cơm áo gạo tiền. Còn với những tiệm làm sẵn đồ để bán thì những bộ đồ lại mang nét phổ thông, phù hợp với nhiều người. Những bộ đồ may sẵn thường bảo đảm một “form” chung cho người dáng chuẩn, dáng đẹp. Và điều thiếu sót quan trọng nhất của cả hai hướng này đó chính là những bộ đồ đó sẽ không có được nét riêng, đặc trưng của người mặc. Chính điều này mà Evita lựa chọn làm việc theo hướng dịch vụ tận nơi, để trao đổi, tư vấn cho khách hàng về các thể loại âu phục. Từ đó tìm ra được sở thích của khách rồi mới bắt tay may đo. Khách còn được hướng dẫn cách chăm sóc, bảo quản trang phục, cách phối đồ.
Trọng An đùa, rằng đó là phương thức làm việc “đem nhà may vào cặp táp”. Tùy khách, một buổi tư vấn có thể chỉ 5 – 10 phút, nhưng cũng có khách mất cả buổi. Được cái khi khách đã hiểu thì “trường phái cổ điển Huế” lại có thêm người và các anh thường khiến khách yêu thích phong cách, gắn bó luôn. Tuy nhiên, có khi cũng gặp khách “khó” vậy là chịu mất khách chứ các anh quyết giữ tôn chỉ của nhà may.
Với hai chàng trai trẻ, tư vấn cho khách chính là niềm vui. An cho biết, điều họ đạt được lớn nhất sau mỗi lần tư vấn không phải là đơn hàng mà đó là “một cơ hội để có thêm một người bạn mới cùng sở thích”. Vì thế, dù bắt đầu “kinh doanh” trong mùa dịch nhưng đến nay, nhà may Evita đã có nhiều đơn hàng lớn là những bộ âu phục hoàn chỉnh chưa kể đơn hàng nhỏ đặt những món đồ lẻ. Khách hàng không chỉ là bạn bè mà với họ đó là thành công.
Để có một bộ âu phục “đẹp khoe, xấu che” phù hợp nhất với khách hàng theo phong cách cổ điển, các “ông chủ” chiều khách tới từng chi tiết. Cũng vì sự cẩn thận và nhiệt tình đó mà nhà may ngày càng được biết đến dù chỉ kinh doanh online. Bên cạnh Evita, An còn phối hợp với bạn mở cửa hàng bán phụ kiện âu phục mang tên B. Spoken để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Bài, ảnh: Phạm Phước Châu