Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng Công an TP. Huế đã xác định được nhóm thanh, thiếu niên và triệu tập về đơn vị để lấy lời khai
Ngay sau khi clip được phát tán trên mạng xã hội, Ban Chỉ huy Công an TP. Huế đã chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ phối hợp với công an phường, xác minh, điều tra, làm rõ nhóm thanh, thiếu niên này.
Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng Công an TP. Huế đã xác định được nhóm thanh thiếu niên và triệu tập về đơn vị để lấy lời khai gồm: Võ Trung Thắng (SN 2003), trú tại phường An Cựu; Đặng Nguyễn Phúc Minh, Nguyễn Thiện Lân (cả 2 cùng SN 2005, trú tại phường An Tây) và Phan Văn Vũ Hoàng (SN 2005), trú tại phường Phước Vĩnh. Test nhanh ma túy, lực lượng công an phát hiện Đặng Nguyễn Phúc Minh dương tính với chất ma túy.
Võ Trung Thắng khai nhận hành vi của mình và các đối tượng trong nhóm: “Chúng em điều khiển xe từ đường An Dương Vương, chạy qua Bà Triệu, đến Nguyễn Thái Học, sau đó ra đường Lê Lợi để lạng lách, đánh võng, quay clip. Mục đích của việc làm này là muốn đăng lên mạng xã hội. Tuy nhiên, khi đến phía nam chân cầu Trường Tiền thì bị ngã xuống đường”.
Nhiều người xem đoạn clip bức xúc về thái độ, hành vi vi phạm Luật GTĐB của nhóm thanh, thiếu niên. Họ cho rằng, nhóm thanh, thiếu niên này không chỉ coi thường pháp luật mà gây nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông.
Quá trình lái xe với tốc độ cao, đánh võng, lạng lách nên có 2 thanh, thiếu niên đã tự ngã, xe mô tô trượt dài trên đường, xoẹt lửa, rất dễ dẫn đến cháy nổ.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu các nhóm thanh, thiếu niên “đua xe với tốc độ cao”, lạng lách, đánh võng, đe dọa người và phương tiện tham gia giao thông trên đường. Đã có hàng chục, hàng trăm trường hợp tương tự bị các lực lượng nghiệp vụ Công an TP. Huế phát hiện, xử lý.
Mặc dù vậy, các vụ việc vẫn liên tiếp xảy ra, càng thách thức, gây khó khăn cho lực lượng công an. Ra quân, xử lý mạnh tay với “quái xế” thì, tình trạng “đua tốc độ” của các thanh, thiếu niên giảm xuống. Hết đợt ra quân, xử lý của lực lượng công an thì tình trạng thiếu văn hóa khi tham gia giao thông lại tiếp tục xảy ra.
Cũng từ thực tế, sau khi bị phát hiện, triệu tập xử lý, các thanh, thiếu niên chỉ bị phạt hành chính và cho về. Những chiếc xe vi phạm cũng cho về. Nghĩa là, pháp luật hiện hành quy định xử lý những trường hợp thanh, thiếu niên đua xe, lạng lách, đánh võng, quậy phá chưa thực sự đủ mạnh, nên vẫn tái diễn tình trạng này. Mặc dù, Luật Hình sự đã quy định mức phạt tù đối với hành vi đua xe trái phép mà không cần phải có tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng.
Không ít ý kiến cho rằng, muốn giải quyết nạn tụ tập đua xe trái phép thì cần phải coi đây là một tệ nạn xã hội. Mặt khác, cần phải có nhiều biện pháp mạnh tay hơn như: Lên danh sách, phân loại đối tượng để giáo dục, răn đe; thông báo về địa phương để kiểm điểm trước tổ dân phố; lên danh sách các điểm “độ” xe để xử lý, vận động, cam kết không được “độ” xe, tiếp tay cho “quái xế”; và quan trọng nhất là cơ quan công an chủ động phối hợp phòng ngừa, chốt chặn ngay từ đầu…
Hiện, Đội CSGT – Trật tự Công an TP. Huế đã và đang tiếp tục phối hợp công an các phường, xã để xác minh xử lý một thanh niên tụ tập, lạng lách, đánh võng, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân thời gian qua.
Trước thực trạng đáng báo động này, Ban Chỉ huy Đội CSGT – Trật tự Công an TP. Huế đã tham mưu, Ban Chỉ huy Công an TP. Huế triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nhất là hóa trang, mật phục, nắm chắc các địa bàn, tuyến đường thường có các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển mô tô với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, nẹt pô để huy động tất cả các lực lượng nhằm phát hiện, truy bắt, xử lý.
“Từ đầu năm 2022 đến nay, Công an TP. Huế đã lập biên bản, xử lý hơn 1.700 trường hợp thanh, thiếu niên vi phạm Luật GTĐB; xử phạt vi phạm hành chính hơn 2 tỷ đồng.
Chúng tôi còn tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật GTĐB đến các nhóm đối tượng tại các khu dân cư, tổ dân phố; tạo sự chuyển biến trong nhận thức, đảm bảo an ninh TTATGT trên địa bàn TP. Huế”, Đại úy Lê Tự Hiếu, Đội phó Đội CSGT – Trật tự Công an TP. Huế khẳng định.
Để hạn chế, tiến tới xóa bỏ vấn nạn này, điều cốt lõi vẫn là ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhất là giới trẻ, cũng như sự đồng thuận, ủng hộ của các gia đình, các cơ quan, ban, ngành và toàn xã hội trong việc nâng cao tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh, thiếu niên không tụ tập đua xe, gây mất TTATGT; đồng thời, xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm.
Bài, ảnh: Anh Phong