Xanh để bền vững

“Không nên là những phong trào đơn lẻ…” là khuyến nghị của các chuyên gia, khi đề cập đến kinh tế tuần hoàn và việc hướng đến các mô hình kinh tế bền vững ở Việt Nam. Theo VnExpress, các mô hình kinh tế vừa đề cập, nếu thành xu hướng có thể góp phần kéo giảm thiệt hại hàng trăm tỷ USD vào năm 2050. Theo cách mà tôi nghĩ, ít nhất thì điều này sẽ tạo ra những vòng đời mới của các chất liệu vốn được coi là phế thải, đồng thời tái tạo/làm xanh và tạo ra những giá trị từ việc giảm tác hại đến môi trường, thiên nhiên…

0,8% hiện là tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu ở Việt Nam. Đây đang là một con số được xem là nhỏ, nhưng với việc lượng phát thải khí này đã tăng từ 0,79 tấn vào năm 2000 lên 3,81 tấn vào năm 2018 thì tốc độ của nó đang được xem là nhanh nhất thế giới. Đó là một con số khiến người ta không thể thờ ơ, cho dù có thể đã rất thờ ơ với những tác động này trong suốt thời gian qua. Chỉ có 27% trong tổng số 1,8 triệu tấn rác mỗi năm được tái chế là một con số khác. Hành động thờ ơ khác – trong mỗi ngày, mỗi người trong chúng ta liệu có quan tâm rằng đã bỏ vào thùng rác mấy túi ni lông, cốc nhựa dùng một lần hay mấy vỏ đồ hộp, vỏ chai thủy tinh…?

Việc tái sinh/tái tạo sản phẩm từ phế thải đã được đặt ra trong rất nhiều kế hoạch, chương trình và cả những phong trào từ thành phố đến nông thôn. Có thể nhận thấy sự thay đổi trong ý thức người dân ở Huế kể từ khi phong trào nói không với rác thải nhựa, hay việc bảo vệ quê hương từ việc nhặt một cọng rác… nhưng cũng phải thừa nhận rằng, để tạo nên tính liên tục, để tạo nên sự thay đổi từ cộng đồng, từ một địa phương đến một khu vực và đến xã hội rộng rãi, chắc chắn sẽ là hành trình trong rất nhiều năm. Thậm chí có thể là nhiều chục năm.

Nhìn từ phương diện vĩ mô, cũng như đặt trong chu trình của nền kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế bền vững, việc sử dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm thân thiện, ít lấy đi tài nguyên và thuận với môi trường nhất, đang là xu thế của thế giới đương đại. Nó cũng là điều đặt ra khi khí hậu trái đất đang nóng lên, mưa lũ nhiều hơn, thiên tai và hơn nữa là những thảm họa về môi trường đã tác động đến chính con người. Lựa chọn một xu hướng để hướng đến việc làm cho cuộc sống xanh hơn, hiện đang là nỗ lực của phần lớn các quốc gia. bằng tiềm lực và các cách thức riêng của mình.

Bao gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 của Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 882/QĐ-TTg vào cuối tháng 7 vừa qua. Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu là các mục tiêu mà kế hoạch này hướng tới…

Chuyển dần các mô hình kinh tế truyền thống bằng việc ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế xanh cũng là điều được Thừa Thiên Huế lựa chọn và xác định rõ trong hướng đi của mình. Đó cũng là cách để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và tái tạo nguồn lực, tiết kiệm tài nguyên. Đặc biệt tập trung cho hạ tầng mềm, hạ tầng chuyển đối số, hạ tầng thương mại điện tử, hạ tầng quản lý bằng công nghệ thông tin cũng là điều mà Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong một cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh để cụ thể hóa chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Yên Minh

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …