Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam Lê Vĩnh Phong, trú phường Phú Bài, TX. Hương Thủy (nhân viên cửa hàng xăng dầu số 14, thuộc Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế) về hành vi mua bán trái phép hóa đơn chứng từ. Phong đã có hành vi bán trái phép các hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) đã ghi nội dung của Cửa hàng xăng dầu số 14 cho Lê Tín (kế toán Doanh nghiệp tư nhân Quang Đức) nhưng không có hàng hóa, dịch vụ thực tế kèm theo để thu lợi bất chính.
Liên quan đến vụ án, đầu tuần vừa qua, lực lượng Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng là Nguyễn Quang Bền, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Quang Đức và Lê Tín, Kế toán của doanh nghiệp này. Qua xác minh, trong khoảng thời gian từ năm 2017-2020, doanh nghiệp tư nhân Quang Đức đã có hành vi mua bán 3.856 hóa đơn GTGT với tổng số tiền lên đến 35 tỷ đồng.
Việc mua bán hóa đơn trái phép, thành lập công ty “ma”, sử dụng hóa đơn “ma”… đã tồn tại dai dẳng từ nhiều năm nay. Cuối tháng 11 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội cũng đã khởi tố 14 bị can trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn GTGT với giao dịch cả nghìn tỉ đồng. Thủ đoạn của các đối tượng là mua lại pháp nhân nhiều công ty; sau đó, sử dụng căn cước công dân, chứng minh nhân dân của người khác đứng tên giám đốc, ký giả chữ ký để quản lý hồ sơ pháp nhân, con dấu, hóa đơn GTGT để bán…
Trong thực tế, việc sử dụng hóa đơn GTGT trái phép, hóa đơn “ma”, hóa đơn không thực tế đang tồn tại muôn hình vạn trạng. Trong đó, mức độ nghiêm trọng là dùng hóa đơn GTGT “ma” để lách thuế, trốn thuế. Chẳng hạn như, doanh nghiệp sản xuất ra một sản phẩm, sau khi xuất bán ra thị trường, trừ mọi chi phí, lãi thực tế là 2 triệu đồng. Theo quy định, khoản lãi 2 triệu đồng này phải khấu trừ phần trăm nộp thuế; song, nhằm lách thuế, trốn thuế, doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn “ma” (có thể khai chi phí đầu vào cao hơn) chứng minh sản phẩm bán ra lãi thấp hơn 2 triệu đồng, thậm chí không có lãi hoặc lỗ vốn để nộp thuế ít hơn hoặc không phải nộp thuế.
Song, có lẽ mức độ nguy hiểm nhất là dùng hóa đơn “ma” để hợp thức hóa hàng giả, hàng không có nguồn gốc, xuất xứ, nguyên liệu đầu vào bất hợp pháp…
Thời gian qua, ngành tài chính, ngành thuế và các bộ ngành liên quan đã đưa ra nhiều biện pháp, nhằm minh bạch trong thanh, quyết toán, nghĩa vụ thuế, hạn chế lợi dụng hóa đơn GTGT để trục lợi như: thực hiện chế độ khoán trong công tác phí, tăng cường thanh tra, kiểm tra, khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử… Tuy nhiên, tình trạng vi phạm, nhất là việc mua bán hóa đơn GTGT trái phép vẫn cứ diễn ra.
Theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử, nhằm tăng cường tính minh bạch và giúp cơ quan thuế theo dõi, giám sát các hoạt động kinh tế. Hiện nay, Tổng cục Thuế đang khẩn trương triển khai 2 nội dung: Dự án Xây dựng và triển khai phần mềm ứng dụng quản lý hóa đơn điện tử tại cơ quan thuế và Dự án trang bị hạ tầng kỹ thuật; theo đó, sẽ triển khai vận hành chính thức hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho hóa đơn điện tử từ giữa năm 2022.
Các biện pháp hy vọng sẽ khắc phục những kẽ hở trong quản lý hóa đơn GTGT lâu nay; tuy nhiên, vẫn rất cần sự trấn áp mạnh mẽ của cơ quan chức năng, tạo sự tự giác trong mỗi cá nhân, đơn vị, nhằm từng bước lành mạnh hóa nền kinh tế.
Đặng Thành