Vốn nhiều, cần có giải pháp quyết liệt

Là một năm, vốn đầu tư công của Thừa Thiên Huế được công bố xem ra là năm có tổng nguồn vốn rất cao. Tổng các nguồn vốn sẽ là con số gần 6.629 tỷ đồng.

Chúng ta đều biết, vốn đầu tư công bao giờ cũng có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là cải thiện bộ mặt hạ tầng. Vốn đầu tư công, thông qua việc xây dựng các công trình, thực hiện các dự án sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm và tạo ra sức lan tỏa cho toàn nền kinh tế. Ví dụ một công trình với hàng trăm, cả ngàn tỷ đồng được đầu tư xây dựng chẳng hạn thì chúng ta thấy nó sẽ giải quyết được bao nhiêu công ăn việc làm cho người dân. Các nhà cung cấp vật liệu như sắt thép, đất đá, cát sạn, xi măng… cũng bán được hàng. Ngành vận tải cũng có công việc. Họ có thu nhập rồi sẽ chi tiêu, thế là các ngành hàng tiêu dùng cũng có cơ hội phát triển. Nói chung, đầu tư công càng mạnh (tất nhiên là nói đến đầu tư hiệu quả) thì nền kinh tế được lợi cả trong ngắn hạn và dài hạn. Nói đầu tư công rất quan trọng để hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội là vậy.

Thế nhưng, không phải lúc nào chúng ta cũng hấp thụ được một cách trọn vẹn vốn đầu tư công, theo các nghĩa – giải ngân nhanh và hiệu quả. Trên bình diện cả nước, giải ngân vốn đầu tư công chậm trở thành “căn bệnh” của nhiều năm. Hàng năm, Thừa Thiên Huế giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn trung bình của cả nước, nhưng không phải năm nào cũng đạt kế hoạch đề ra. Điều này cho thấy, tìm được vốn để đầu tư đã khó, nhưng không phải lúc nào việc vận hành để hấp thụ nguồn vốn ấy đều tốt?

Ở tỉnh ta, theo số liệu thống kê, đến cuối tháng 2 vốn giải ngân ước đạt 9%. Nếu tính bình quân tháng thì con số này không cao. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thì đến giữa năm phải giải ngân đạt 60%. Và đến cuối năm phải đạt 100%. Đây được xem là một mệnh lệnh.

Có những vấn đề lớn thường ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đó là: khó khăn trong giải phóng mặt bằng; khó khăn từ thủ tục hành chính; và cả một yếu tố khác là năng lực của các B (đơn vị trúng thầu thi công). Nói tóm lại, những khó khăn có khi đến từ bên A (chủ đầu tư) và bên B (đơn vị thi công, trúng thầu).

Năm nào thì không biết chứ năm nay thì “đừng” đổ lỗi cho điều kiện khách quan nữa, mà phải nhấn mạnh đến yếu tố chủ quan. Nếu có khó khăn vướng mắc thì chủ đầu tư phải chủ động tìm cách tháo gỡ. Về điều này, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: “Lãnh đạo các đơn vị chủ đầu tư tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập; người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”. Chẳng những thế mà còn phải “Đăng ký và cam kết tiến độ giải quyết từng dự án”.

Không phải đến bây giờ tỉnh mới đề cao vai trò và trách nhiệm của các chủ đầu tư, nhưng có vẻ như khi nào không thực hiện tốt tiến độ thì chủ đầu tư có những lý do khách quan để biện giải. Giờ phải làm quyết liệt hơn để thấy rõ vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư, mà cụ thể là người đứng đầu. Một giải pháp quan trọng là tăng cường kiểm tra, giám sát để nếu có khó khăn, vướng mắc thì tháo gỡ kịp thời.

Cam quả, đầu tư là một lĩnh vực phức tạp phải đảm bảo nhiều thủ tục. Nên bên cạnh thể hiện trách nhiệm cao của chủ đầu tư thì cũng cần sự hỗ trợ tích cực của các ngành liên quan. Về điều này, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo “Tiếp tục đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt dự án, đảm bảo rút ngắn thời gian thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật và tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công”.

Chúng ta chờ đợi đến cuối tháng 6 năm 2023 con số “luật định” giải ngân đạt 60% vốn đầu tư công sẽ như thế nào !?

Nguyên Lê

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Phá chuyên án mua bán trái phép chất ma túy

Công an làm việc với đối tượng Qua công tác nghiệp vụ, Đội Cảnh điều …