Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Bức tranh đối ngoại Việt Nam năm 2022 đầy ắp các dấu mốc quan trọng như kỷ niệm 45 năm chính thức trở thành thành viên Liên hợp quốc, 60 năm Việt Nam-Lào thiết lập quan hệ ngoại giao, 55 năm quan hệ Việt Nam-Campuchia…
Việt Nam tiếp tục được xướng tên trên trường quốc tế khi đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Bên cạnh đó, một loạt các chuyến công du cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, các chuyến thăm của lãnh đạo nước ngoài tới Việt Nam cho thấy một năm hoạt động sôi nổi và hiệu quả của đối ngoại Việt Nam.
“Liên hợp quốc tự hào khi được là đối tác của Việt Nam” – tổng kết ngắn gọn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 10 nhân 45 năm Việt Nam gia nhập tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, đã thể hiện sự ghi nhận những đóng góp chủ động và trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tổng Thư ký Guterres vô cùng ấn tượng trước hành trình phát triển của Việt Nam, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, nay đang gửi những người lính gìn giữ hòa bình đến giúp đỡ người dân ở một số nơi trên thế giới; đánh giá Việt Nam là một trong những thành viên năng động, tích cực của Liên hợp quốc.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động hòa bình Jean-Pierre Lacroix cũng đánh giá cao tính chuyên nghiệp, sự tận tụy, nỗ lực, hy sinh của các quân nhân Việt Nam khi phải thực hiện nhiệm vụ trong những môi trường khó khăn.
Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia hình mẫu của Liên hợp quốc, có nhiều đóng góp quan trọng củng cố chủ nghĩa đa phương và tham gia công việc của Liên hợp quốc.
Sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam đã được cụ thể hóa qua những lá phiếu bầu Việt Nam vào những vị trí quan trọng tại diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh.
Ngày 13/6, Đại hội đồng Liên hợp quốc đồng thuận bỏ phiếu bầu Việt Nam là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngày 11/10, Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là lần thứ hai Việt Nam được bầu làm thành viên một trong những cơ quan quan trọng bậc nhất của Liên hợp quốc.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Nhà báo nổi tiếng người Indonesia Veeramalla Anjaiah, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) cho rằng đây là “sự công nhận” cam kết của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người.
Bà Caitlin Wiesen, nguyên trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tin rằng đây là sự ghi nhận những thành tựu mà Chính phủ Việt Nam đạt được trong việc đảm bảo an toàn cho người dân.
Trong khi đó, theo bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền là trách nhiệm lớn, nhưng cũng là cơ hội rất quan trọng để nỗ lực gấp đôi trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.
Trong khu vực, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò thành viên quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Học giả Uch Leang nêu rõ: “Trong năm Chủ tịch ASEAN của Campuchia, Việt Nam luôn thể hiện vai trò của một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN, phối hợp rất chặt chẽ với nước chủ nhà Campuchia nhằm đảm bảo các hội nghị diễn ra thành công, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc và đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN, đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, vì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á-Thái Bình Dương nói chung.”
Chuyên gia phân tích chính trị, Phó giáo sư, Tiến sỹ Awang Azman Awang Pawi, trường Đại học Malaya (Malaysia), khẳng định Việt Nam là một phần chiến lược trong thành công của ASEAN.
Sau 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, các hoạt động ngoại giao song phương của Việt Nam đã sôi động trở lại với một loạt các chuyến thăm cấp cao.
Các lãnh đạo Việt Nam đã có nhiều chuyến công du nước ngoài, góp phần thúc đẩy các mối quan hệ song phương, phát huy hiệu quả đường lối ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ trương làm bạn với tất cả các nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên bục nghe quân nhạc cử Quốc thiều hai nước. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Nổi bật trong số này là chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc cuối tháng 10 vừa qua. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Trung Quốc tiếp đón sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tuyên bố chung gồm 13 điểm, bao gồm cả những nội dung mang tính chiến lược định hướng cho phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới đã cho thấy quan hệ Việt-Trung đang vươn lên một tầm cao mới, như đánh giá của nhà phân tích chính trị quốc tế người Nga Grigory Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ Nghiên cứu khoa học Á-Âu.
Theo Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba, chuyến thăm thể hiện được tầm quan trọng đặc biệt của mối quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, truyền đi thông điệp rõ ràng về việc hai bên sẽ tăng cường đoàn kết và hợp tác, kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Năm 2022 cũng ghi dấu mốc son đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam với hai nước láng giềng anh em Lào và Campuchia: kỷ niệm 60 năm Việt Nam-Lào thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác; 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia.
Một loạt các hoạt động trao đổi đoàn các cấp, các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội cùng sự ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực cho thấy quan hệ giữa Việt Nam và hai nước láng giềng kế thừa những truyền thống tốt đẹp mà các bên đã gây dựng được trong quá khứ, không ngừng phát triển, ngày càng sâu sắc.
Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Lào vào tháng 5 là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới quốc gia láng giềng trong “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022,” khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Chính phủ Phankham Viphavanh, Chủ tịch Quốc hội Xaysomphone Phomvihane đều khẳng định đây là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, là quy luật tồn tại và phát triển ở mỗi nước.
Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang nhận định mối quan hệ trong sáng, khăng khít giữa nhân dân hai nước Lào-Việt Nam chưa bao giờ phai mờ, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và ngày càng phát huy hiệu quả, đi vào chiều sâu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh ăn sáng và làm việc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Về mối quan hệ Việt Nam-Campuchia, Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth nhấn mạnh năm 2022 có tầm quan trọng trong quan hệ hai nước với nhiều sự kiện ngoại giao đáng chú ý, như chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần lượt trong tháng 11.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn nhấn mạnh trong 55 năm qua, quan hệ Campuchia-Việt Nam đã khẳng định rõ với thế giới về một mối quan hệ bền vững, sâu sắc, toàn diện và có khả năng chống chịu trước những biến động địa chính trị khu vực và quốc tế.
Năm đối ngoại bận rộn 2022 cho thấy Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực đóng góp vào môi trường hòa bình, ổn định của thế giới, thể hiện rõ vai trò một đối tác tin cậy, trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Điều đó đã củng cố vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, Việt Nam ngày càng giành được sự tin cậy của các nước, như khẳng định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: “Việt Nam và nhân dân Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào vì tiếng nói của các bạn được tất cả các quốc gia tôn trọng”.
Theo Vietnam+