“Vì sao tôi không viết hồi ký”

Từ phải qua trái, các nhà thơ: Phạm Tiến Duật, Nguyễn Bá Chung, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, và nhà văn Tô Nhuận Vỹ đang nghe băng ghi âm “Ngục trung nhật ký” của Hồ Chí Minh, lưu trữ tại Thư viện thơ Harvard (Boston – Hoa Kỳ, hè năm 1994)

Anh là nhà văn lớn tuổi, tại sao lại dự hội nghị nhà văn trẻ?

Câu hỏi này đáng lẽ anh phải hỏi Ban tổ chức hội nghị, hoặc hỏi thẳng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, sẽ có câu trả lời tế nhị và khách quan hơn. Tôi chỉ có một cảm nhận là trong quá trình giao lưu và tiếp xúc có nhiều nhà văn trẻ quan tâm đến nhà văn già. Tôi là một trong mấy Nhà văn già được mời dự Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 ở Đà Nẵng mới đây (ngoài những vị nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam). Tiêu đề của hội nghị là: “Vì sao chúng ta viết”.

Lớp chúng tôi, khi cầm bút chủ yếu vì trước một hiện thực chiến đấu quá kiêu hùng của quân đội và Nhân dân không thể không viết. Rõ ràng, lúc đó viết là để phục vụ chiến đấu, để đánh thắng giặc Mỹ. Câu hỏi “Vì sao chúng ta viết” duy nhất một câu trả lời của thế hệ chúng tôi là: Vì để thắng giặc Mỹ. Không hề có một chút băn khoăn nào khác chen vào. Có lẽ hội nghị cần chúng tôi có mặt để lớp trẻ “tham khảo”.

Trong buổi hội thảo văn xuôi mà tôi dự, các nhà văn trẻ chăm chú theo dõi, lắng nghe và trao đổi khi tôi kể lại giai đoạn vừa cầm bút vừa cầm súng của mình. Một điều nữa là các bạn trẻ băn khoăn khá nhiều về sự an toàn của cá nhân khi muốn viết các “đề tài nhạy cảm”. Thái độ chưa viết đã sợ, thật đáng trách. Tôi đã kể luôn những thử thách nặng nề, kể cả bị kỷ luật, có lúc bị xem như kẻ thù của Nhân dân khi mình muốn đổi mới, muốn đất nước tiến bộ, văn minh. Tôi khẳng định điều mà tôi đã trả lời phỏng vấn trên Báo Tiền Phong: Tại sao không tự tin ở lòng yêu nước của mình? Các bạn trẻ đã hoan hô, cổ vũ các ý kiến của tôi. Tới đây thì tôi hoàn toàn hiểu vì sao Hội Nhà văn lại mời những nhà văn lớn tuổi như tôi dự Hội nghị Nhà văn trẻ.

Từ “Dòng sông phẳng lặng” đến “Vùng sâu” mất gần 30 năm. Có phải do bận rộn với với công tác quản lý hay là anh bị một áp lực nào đó, ví dụ như tâm lý ngại vượt qua chính mình?

Trong chiến tranh, khi làm phóng viên chiến trường, và sau ngày thống nhất đất nước tôi viết nhanh và nhiều. Có lúc, giữa hai đợt tấn công của địch, tôi đã tranh thủ viết xong một bài báo. Chưa tới 27 tuổi tôi đã “liều mạng” viết tiểu thuyết 3 tập gần 2.000 trang “Dòng sông phẳng lặng”. Nhưng sau này tôi chững hẳn lại, thậm chí hơn 20 năm không thấy tôi có tác phẩm mới, trong lúc đồng nghiệp của tôi ở Huế “sản xuất” hàng loạt, trung bình ba năm hai cuốn, nên có bạn đọc cho rằng tôi “tịt” rồi. Thực ra tôi có một suy nghĩ mới: Nếu viết không hơn, thậm chí không bằng tác phẩm cũ thì không viết.

Nhiều người nổi tiếng trên chính trường và trên văn đàn, cuối đời đã ngồi viết hồi ký – tự truyện. Với anh thì sao?

Tôi nhớ một ý của nguyên Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng về lý do bác không viết hồi ký. Đó là người viết thường viết hay nói kỹ về cái hay, cái tốt của mình, còn những cái sai, cái xấu của mình thì viết qua loa.

Tôi không muốn ai đó, dù trong nước hay nước ngoài, sử dụng cái hay và cả cái dở của tôi cho mục đích của họ.

Các con tôi cũng từng băn khoăn: “Ba không viết hồi ký, sau khi ba qua đời nhiều chuyện cần biết mà tụi con và mẹ không biết thì hỏi ai?”. Đó là yêu cầu chính đáng. Và tôi đã nói để các cháu yên tâm: Ba sẽ tập hợp lại bài viết lúc này, lúc kia liên quan cuộc đời ba và gia đình, viết thêm phần thời thơ ấu nữa là xong.

Bài, ảnh: THANH TÙNG

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …