“Về miền cảm xúc” – Khúc ngẫu hứng của con tim

Tác phẩm “Về miền cảm xúc” của tác giả Trần Quang Khen

Đọc “Về miền cảm xúc”, chúng ta sẽ bắt gặp những thanh niên thành phố lên dạy học ở vùng cao A Lưới, sống thiếu thốn về vật chất nhưng tâm hồn luôn đong đầy cảm xúc, tựa như vạt nắng đắm say trải dài trên các triền đồi, như ngọn gió núi dạt dào lướt qua dãy Trường Sơn xanh thẳm những bóng cây. Ngoài giờ lên lớp, họ trồng khoai, trồng sắn. Lúc rảnh rỗi thì đọc sách, đàn hát nghêu ngao, viết thư về cho gia đình, bạn bè, người yêu. Gian khó chỉ khiến những con người mang trong mình bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ thêm gắn kết, yêu thương đùm bọc nhau, “Chúng tôi không sống bằng vật chất mà sống bằng tình bạn, tình thầy trò, chia sẻ từng tiêu chuẩn tem phiếu, từng củ khoai nướng, củ sắn lùi, tô bún, đĩa xôi…” (40 năm với bến sông đời).

Người đọc rưng rưng khi bắt gặp bóng dáng người mẹ nghèo tần tảo sớm khuya, quanh năm suốt tháng hiếm khi được ngơi nghỉ vì lo cho đàn con nheo nhóc, chín đứa con, bốn trai, năm gái, nhọc nhằn là vậy mà lúc nào cũng bình thản, vui vẻ, và chẳng mấy khi than thở, kể khổ với ai. Và người mẹ nghèo ấy chỉ “với đôi triêng gióng dẻo dai, mạ đã lần lượt gánh từng đứa con vượt qua những bước gian nan của cuộc đời” (Đời mạ).

Những bữa cơm độn sắn xâm, khoai hà, những ngày tháng tuổi thơ nghèo khổ được tác giả kể bằng giọng văn chất phát và dung dị đã đưa người đọc trở về với những năm tháng cơ hàn mà tác giả từng trải qua, kể khổ mà hoàn toàn không than khổ. Tôi như thấy chính tuổi thơ của mình với những bữa cơm độn khoai sắn nơi chái bếp nghèo thuở trước hiển hiện trong từng trang sách. Tôi nhớ mạ mình từng kể, hồi sinh em tôi, nhà nghèo, mạ ăn sắn thay cơm, say đến độ em tôi bú sữa mẹ mà cũng say đến mê man bất tỉnh. Mỗi bữa cơm giở nắp vung nồi, mùi sắn nồng hắt lên chái bếp xác xơ giăng đầy khói xám. Mấy đứa con phải bỏ chạy ra vườn đứng hóng ngọn gió trưa ràn rạt thổi ngang nhà, luồn qua chái bếp cũ kỹ rồi cuốn đi mùi nồng hắt của nồi cơm độn đầy sắn. Đợi mạ cất tiếng gọi “mấy đứa mô rồi vô ăn cơm” thì chị em mới dắt díu nhau chạy vào bếp.

Tác giả Trần Quang Khen là một giáo viên dạy toán, nhưng lại có tâm hồn của người nghệ sĩ. Ông yêu âm nhạc, thích đàn, hát, viết nhạc, làm thơ, vẽ tranh và viết văn với chất giọng tự sự đầy cảm xúc. Với 40 năm làm nghề đưa đò, thầy giáo Trần Quang Khen đã xuất bản nhiều đầu sách về toán học như: Thiết kế toán 1 tập 2 (in chung); Tuyển tập đề thi môn toán lớp 5, đề thi học sinh giỏi bậc tiểu học (in chung); Bộ đề phát triển và nâng cao toán 5 (in chung). Tập bút ký, ghi chép “Về miền cảm xúc” là tác phẩm văn học in riêng đầu tiên của ông.

“Về miền cảm xúc” gồm 186 trang sách đã gói trọn hành trình sống và dạy học của tác giả. Người đọc dễ dàng nhận ra bóng dáng người thầy cần mẫn và luôn tận tâm với nghề, người luôn muốn đem đến những tri thức và những bài học quý giá về đạo đức cũng như lối sống cho những học trò thân yêu của mình.

Tác phẩm cũng ghi chép lại những trải nghiệm của tác giả trong những chuyến đi xa. Bằng những quan sát tỉ mỉ, tinh tế, tác giả đã mở ra trước mắt người đọc những khung cảnh sinh động của một chiều Paris ngập tràn ánh nắng, những bước chân lang thang bên bờ sông Seine khi hoàng hôn nhuộm đỏ thành phố. Rồi những ngày ở Rome, Sicilia, được đắm mình trong những kiến trúc nguy nga lộng lẫy, được thỏa thích ngắm nghía những tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ và thưởng thức nhiều món ăn truyền thống đặc trưng nơi xứ người. Những thành phố xa lạ hiện lên sinh động trong từng câu chữ, khiến người đọc như đang chu du cùng tác giả qua những vùng đất xa xôi, cùng ông hít thở bầu không khí thanh lành nơi xứ lạ.

“Về miền cảm xúc” chính là khúc ngẫu hứng của con tim luôn thiết tha với đời, trân quý những phút giây đã sống và dành trọn thương yêu cho những người thân, bè bạn, học trò. Ở đó có những niềm hạnh phúc vỡ òa mà cũng có những nỗi đau xé ruột gan.

Bài, ảnh: Lê Hà

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …