Tuần báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn: Những cuộc vận động chính trị sâu sắc

Thừa Thiên Huế Online trích đăng một phần bài viết “Tuần báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân Văn với Mặt trận Dân chủ Đông Dương” của TS. Đặng Vinh Dự:

Hội nghị Báo giới Trung Kỳ do những người cộng sản ở Huế lấy danh nghĩa của báo Nhành Lúa chủ xướng đã thông qua được hai nghị quyết và chương trình hành động. Đó là lập Mặt trận thống nhất các nhà viết báo Đông Dương để đi tới tự do xuất bản sách báo, yêu cầu nhà chức trách cho tự do xuất bản, vận động nhân dân đấu tranh đòi tự do báo chí, và kêu gọi những người tiến bộ ở Đông Dương và Pháp ủng hộ nguyện vọng đòi tự do xuất bản; lập Hội Ái hữu báo giới Trung Kỳ… Sự kiện này là một thắng lợi chính trị quan trọng của đường lối mặt trận do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Khi Nhành Lúa vừa phát hành xong số 9 thì bị chính quyền thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa. Theo chỉ đạo của Xứ ủy, để chuẩn bị cho tờ Kinh tế Tân văn trình làng trở lại sau ba tháng “án binh bất động”, Chủ nhiệm Phạm Bá Nguyên cho chuyển tòa soạn từ phố Gia Hội qua bờ nam sông Hương, đóng tại rue Jules Ferry (cùng chỗ với tòa soạn Nhành Lúa); nhà báo Nguyễn Xuân Lữ cũng từ Nhành Lúa sang làm Quản lý và điều hành tòa soạn Kinh tế Tân văn.

Sau số đặc biệt gần ba tháng “án binh bất động”, ngày 8/4/1937, Kinh tế Tân văn bắt đầu ra số 1. Chuyên mục có nhiều thay đổi. Tương tự Nhành Lúa, bài vở Kinh tế Tân văn được biên tập ở Huế rồi chuyển ra Vinh ấn loát tại nhà in Vương Đình Châu – một cơ sở in ấn của Đảng tại Nghệ An. Báo in xong phát hành tại Vinh, một số chuyển ra Hà Nội, số đưa vào Huế và các tỉnh Trung Kỳ.

Kinh tế Tân văn số 1 dành hẳn cho chuyên đề “Số đặc biệt về Hội nghị Báo giới Trung Kỳ”. Trong quá trình tổ chức đấu tranh đòi tự do ngôn luận, những nội dung, phương thức và sự kiện diễn ra phải được công bố trang trọng trên Nhành Lúa của các số báo kế tiếp, nhưng khi Hội nghị Báo giới Trung Kỳ chuẩn bị khai mạc vào ngày 27/3/1937, thì Nhành Lúa đã bị chính quyền cai trị ra lệnh đình bản trước đó một tuần. Do vậy, Kinh tế Tân văn phải đảm nhận “phần trách nhiệm” nặng nề này, mà tòa soạn thường dùng mấy chữ “Bài cậy đăng”.

Kinh tế Tân văn đăng trọn danh sách 38 nhà báo đại diện cho báo giới ở Huế, trong Nam ngoài Bắc cùng 32 đại biểu các giới công, nông, học sinh, trí thức tham dự Hội nghị Báo giới Trung Kỳ. Kinh tế Tân văn đã công bố hai nghị quyết và chương trình hành động cùng “Bản báo cáo” do Hải Triều thay mặt Ủy ban tổ chức Hội nghị trình bày… Bản báo cáo này lên án chính sách cai trị hà khắc của chế độ thực dân đã gây tiếng vang khắp làng báo Đông Dương và lan sang tận chính trường nước Pháp.

Số 2 và số 3, Kinh tế Tân văn tiếp tục đăng lời kêu gọi “Đi tới Hội nghị toàn quốc các nhà viết báo An Nam”, “Về cuộc tuyển cử nhân dân đại biểu Trung Kỳ sắp tới”; các chuyên mục “Cứ nói, cứ viết” tin tức, sinh hoạt công nông, thanh niên… Nhiều bài hay được công chúng thích thú đón nhận.

Với sự lớn mạnh của phong trào dân chủ công khai ở Thừa Thiên Huế và ảnh hưởng của Đảng ngày càng lan rộng trong quần chúng, Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương thành lập lại Tỉnh ủy Thừa Thiên và phát triển các tổ chức cơ sở đảng. Trong thời gian ngắn số lượng đảng viên ở Thừa Thiên Huế tăng lên rõ rệt. Tháng 4/1937, đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy lâm thời đã triệu tập các đồng chí cán bộ đảng viên chủ chốt trong tỉnh đến vườn hoa trước Bệnh viện Huế để bàn bạc công việc và củng cố lại Tỉnh ủy. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phan Đăng Lưu, Lê Tự Nhiên, Tô Thuyên, Trần Công Xứng, Bùi San… Đồng chí Trần Công Xứ, Xứ ủy viên Trung Kỳ được cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Chí Diểu tuyên bố thành lập Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên Huế lần thứ hai.

Mặc dù nội dung xin phép ra báo viết thuần túy về kinh tế nhưng thực chất bên trong Kinh tế Tân văn là cơ quan ngôn luận của cách mạng, tờ báo chiến đấu của những người cộng sản ở Huế. Đọc nội dung, chính quyền cai trị hiểu rõ điều đó và đã tìm mọi cách ngăn cấm. Viện cớ in sai tiêu chí xin phép, ngày 24/4/1937, Kinh tế Tân văn bị nhà cầm quyền cấm xuất bản.

Sau khi Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn bị cấm phát hành vào thời điểm mà lực lượng dân chủ đang ráo riết chuẩn bị người của mình tham gia tranh cử vào Viện Dân biểu, Đảng bộ Thừa Thiên và Xứ ủy Trung Kỳ không còn báo chí trong tay làm vũ khí đấu tranh “hợp pháp”. Trước tình hình ấy, đồng chí Phan Đăng Lưu cùng với các nhà báo cách mạng Hải Triều, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Cửu Thạnh… thống nhất thương lượng với Phan Khôi thông qua Phan Thao, con trai của ông Phan Khôi là một nhà báo cách mạng, mua lại bản quyền tờ báo Sông Hương của Phan Khôi đang bế tắc tài chính, hoạt động cầm chừng, vì ít người đọc và đổi tên thành Sông Hương tục bản mà không cần xin phép chính quyền.

Ngày 19/6/1937, Sông Hương tục bản ra số 1 do đồng chí Phan Đăng Lưu làm Chủ bút, Nguyễn Cửu Thạnh làm Chủ nhiệm. Thực hiện chủ trương của Đảng lại được ba tờ báo cách mạng là Nhành Lúa, Kinh tế Tân văn, Sông Hương tục bản tích cực tuyên truyền, vào giữa năm 1937, Chi bộ Đảng ở nam Phong Điền, tiếp đó là Chi bộ Đảng ở Niêm Phò được thành lập, rồi đến Chi bộ Hương Trà cũng ra đời là những chi bộ tiền thân của các Đảng bộ Phong Điền, Quảng Điền và Hương Trà ngày nay.

Xuất hiện thời gian trong gần bốn tháng, cả hai tờ tuần báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn đã có những đóng góp quan trọng trong việc tổ chức thành công nhiều cuộc vận động có ý nghĩa chính trị sâu sắc trên mặt trận báo chí, hiệu triệu quần chúng, đòi các quyền dân chủ, tự do cho người dân, trong đó có việc định hướng chủ trương của Đảng tái lập lại Đảng bộ tỉnh và dần từng bước thành lập các chi bộ cơ sở để sau đó một số huyện ủy lâm thời ra đời.

Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 – 1939), mặc dù bị đàn áp tàn khốc song những người hạt động cộng sản và báo giới cách mạng ở Huế đã dấn thân trên mặt trận tư tưởng, phất cao ngọn cờ yêu nước tập hợp các nhà viết báo dân chủ đòi tự do báo chí, tự do ngôn luận, đã kích mãnh liệt vào bọn tay sai nô dịch và thực dân cai trị. Thông qua báo chí những người cộng sản đã giành được vai trò chủ động trong quá trình khởi xướng, vận động, có phương pháp tổ chức và lãnh đạo, hiệu triệu được đông đảo quần chúng ủng hộ trên mặt trận đấu tranh chung.

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Phá chuyên án mua bán trái phép chất ma túy

Công an làm việc với đối tượng Qua công tác nghiệp vụ, Đội Cảnh điều …