Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại TP. Từ Sơn (Bắc Ninh). Ảnh: laodong.vn
“Tự chỉ trích” được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ soạn thảo trong hoàn cảnh tình hình quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi: Chiến tranh thế giới thứ hai sắp nổ ra; phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương bị đàn áp nặng nề; mâu thuẫn giữa các dân tộc Đông Dương với thực dân Pháp ngày càng trở nên gay gắt, đòi hỏi Đảng ta cần có sự chuyển hướng chiến lược và phương pháp cách mạng mới.
Trong bối cảnh đó, trước khi vào Nam chuẩn bị Hội nghị Trung ương VI (11/1939), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích” với bút danh Trí Cường vào tháng 6/1939, rồi đưa cho các đồng chí: Tô Hiệu, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai… đọc và tham gia ý kiến, sau đó được Nhà xuất bản Dân chúng phát hành ngày 20/7/1939 tại Hà Nội.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, thông qua phê bình, tự chỉ trích để “tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi và tiến thủ”.
Tổng Bí thư chỉ rõ “Người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi họ, hay phỉnh họ…Và dẫu cho có sai lầm, có thất bại thì phải có can đảm “mở to mắt ra nhìn sự thật” và “Phê bình là để thống nhất tư tưởng, để rèn luyện mình, để đề cao uy tín và ảnh hưởng của Đảng, nhằm làm cho Đảng ngày càng mạnh và cách mạng ngày càng phát triển”.
Những sai lầm, khuyết điểm sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới việc thực hiện các mục tiêu chiến lược, sách lược cách mạng của Đảng, và “Đảng có bổn phận phải phân tích xác thực hoàn cảnh, không bi quan, hoảng hốt mà cũng không đắc chí tự mãn để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa chữa và tiến thủ”.
Tổng Bí thư yêu cầu “Phê bình và tự phê bình phải tôn trọng sự thật, công khai, mạnh dạn, thành thật vạch những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Làm như thế không sợ bị địch lợi dụng, chửi rủa, vu cáo Đảng, không sợ nối giáo cho giặc. Trái lại, nếu đóng kín cửa bảo nhau, giữ cái vỏ thống nhất bề ngoài mà bên trong thì hổ lốn một cục, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa”. Đồng thời nhấn mạnh: “Không mạnh dạn, thẳng thắn đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng thì đó không phải một đảng tiền phong cách mạng mà là một đảng hoạt đầu cải lương”.
“Phê bình và tự phê bình phải giữ vững nguyên tắc nhằm để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển đi lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chớ không đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái, chia rẽ trong hàng ngũ Đảng”…
Phê bình và tự phê bình là “Phải đứng về lợi ích, về công cuộc của dân chúng mà chỉ trích những khuyết điểm, những chỗ lừng chừng hoặc hèn nhát để đẩy phong trào phát triển rộng rãi, mạnh mẽ hơn”.
Như vậy, “Tự chỉ trích” đã góp phần sửa chữa những khuyết điểm của Đảng về ý thức, lề lối làm việc, xây dựng, củng cố và chỉnh đốn Đảng, tổ chức lại các hoạt động của Đảng, chống lại tư tưởng hẹp hòi trong hàng ngũ Đảng, đáp ứng sự phát triển của phong trào cách mạng trong tình hình mới.
“Tự chỉ trích” được cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết khi Đảng ta còn non trẻ, nhưng đã mạnh dạn nêu cao nguyên tắc phê bình và tự phê bình với tinh thần thẳng thắn; kiên quyết đấu tranh phê phán những quan điểm, khuynh hướng sai trái, tìm phương châm sửa chữa khuyết điểm; tăng cường đoàn kết trong Đảng, nhằm làm cho Đảng thống nhất về tư tưởng và hành động; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: Tác phẩm “Tự chỉ trích” của Nguyễn Văn Cừ đã tạo điều kiện cho tư tưởng đúng đắn của Đảng đi sâu vào đông đảo quần chúng cách mạng.
Hiện nay, Đảng ta đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Vận dụng phương pháp, tinh thần “Tự chỉ trích” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, phải thực hiện nghiêm túc, thường xuyên tự phê bình và phê bình như “rửa mặt hàng ngày” để Đảng ta thật sự trong sạch. Có như vậy mới củng cố và tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đủ sức lãnh đạo sự nghiệp cách mạng vươn tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
NGUYỄN ĐÌNH DŨNG