Trông vô Đại Nội

Giữa những ngày mưa lụt hay bão dữ, trong câu chuyện của những người dân Huế vẫn thường nhắc tới Đại Nội. Xưa có thể là một tưởng tượng của ông bà dành cho con cháu về cuộc sống ấm cúng, vương giả của hoàng tộc như một mơ ước khó đạt của những kẻ bình dân. Nay lại là nỗi lo dành cho sự an toàn của những lâu đài, cung điện yêu thương trước sự tàn phá của bão lũ. Còn lắng đọng trong tâm hồn người dân Huế từ bao đời nay là tình cảm và sự gắn bó sâu đậm dành cho Quần thể di tích kiến trúc Huế đã được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.

Di sản văn hóa thế giới là một mỹ từ hấp dẫn, sự tụng xưng xứng đáng dành cho những công trình, hạng mục văn hóa có niên kỷ hàng trăm năm với nhiều giá trị lịch sử to lớn. Ví như Cố đô Huế, tồn tại gần 1,5 thế kỷ, triều Nguyễn đã để lại cho nơi này một khối lượng di sản khổng lồ, bao gồm hệ thống thành quách, lăng tẩm, đền đài với nhiều loại hình kiến trúc gỗ độc đáo cả về giá trị lịch sử lẫn văn hóa. Thế nhưng, cũng như di sản thế giới Phố cổ Hội An ở miền Trung, quần thể di tích kiến trúc Huế năm nào cũng bị mưa bão “ghé thăm”, thì với những người người làm công tác bảo tồn, bảo tàng, đó lại là “gánh nặng”.

Hứng chịu trận lụt kỷ lục hồi tháng 11/2019 khiến thành phố nổi tiếng Venice (Itatia) rơi vào tình trạng báo động khẩn cấp. Mới đây, trận lụt lớn khiến cho Chá Cao, một thị trấn cổ ở tỉnh An Huy (Trung Quốc) chìm sâu trong nước. Quần thể di tích Huế với phần lớn các công trình bằng gỗ lợp ngói là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước mưa bão. Hầu hết các công trình kiến trúc thời Nguyễn đều xây dựng theo kiểu “trùng lương trùng thiềm” với kết cấu hai mái trên một mặt nền. Tuy tạo được không gian rộng rãi ở phần nội thất, thoáng mát vào mùa nắng, nhưng lại rất ẩm thấp vào mùa mưa. Di sản Huế, bởi vậy càng không tránh khỏi nỗi lo bão lũ.

Càng ngày, thiên tai do biến đổi khí hậu càng ảnh hưởng lớn đến các di sản. Lũ miền Trung là một lời cảnh báo, rằng biến đổi khí hậu không chỉ là lý thuyết hay một điều gì đó trừu tượng mà đang hiện hữu ngày càng rõ hơn. Di sản vốn được coi là loại tài sản không thể tái sinh, không thể thay thế và có thể khai thác nhiều lần, qua nhiều thế hệ kế tiếp. Tại Việt Nam, thực tế các hoạt động mang tính phòng ngừa tác động của sự biến đổi khí hậu đối với di sản chưa rõ ràng, chỉ dừng lại ở các hoạt động tu bổ theo kiểu “nước rút đến đâu chống đỡ đến đấy”. Theo ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, bảo tồn di sản văn hóa quan trọng không kém gì bảo tồn sinh mạng. Khi xảy ra thảm họa thiên tai, cộng đồng sẽ cảm nhận được rất rõ rằng di sản văn hóa có ý nghĩa như thế nào trong sự gắn kết con người với nhau.

Lại nhớ năm 2017, nước lũ dâng tràn vào hồ Thái Dịch ở Đại Nội khiến hàng ngàn con cá cảnh do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nuôi tung tăng bơi lội ra ngoài và đã có nhiều du khách thích thú thưởng ngoạn. Còn trong những mưa lụt vừa qua, Đại Nội ngập nước nhưng ấn tượng vẫn là hình ảnh các địa điểm di tích được tích cực dọn dẹp và sự xuất hiện nhiều du khách nơi đây sau khi nước hạ và ngớt mưa, cả trên mặt báo và những facebook nữa. Tôi đã nghĩ đến nét ứng xử văn hóa mới được hình thành. Di sản văn hóa Huế được chú trọng gìn giữ trước những thách thức và biến động, trong đó có thiên tai bão lũ, nhưng luôn giữ được sự gần gũi và đặc biệt, là điểm đến văn hóa – du lịch thân thiện và hấp dẫn, để ai đó cũng đều muốn “trông vô Đại Nội”.

ĐAN DUY

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …