Trong sớm mai mù sương

Lại thêm một sớm mai mù sương. Thỉnh thoảng, Huế lại có được một sớm mai ân sủng ảo diệu như thế. Sương dày đặc như là một trào dâng vẻ đẹp kiêu hãnh thầm kín. Chưa có dòng Hương nhấp nhánh thơ mộng buổi rạng ngày với dãy tường thành rêu phong và những vọng lâu bên bờ Bắc. Chỉ có những ngọn đèn rọi những chùm sáng dọc đường, trong công viên trước tòa thị chính. Dàn đèn chiếu sáng tòa nhà cũng chìm trong sương, sang trọng, trầm mặc. Nhìn thật gần mới thấy những dãy hoa bên vệ đường, những bụi hồng cổ Huế giăng mắc nơi tường rào bung nở. Những người chạy bộ chừng như chậm nhịp hơn vì sương. Tôi cũng chạy xe thật chậm, trong nỗi lo sợ mơ hồ, khi vợ nhắn tin người sốt, ớn lạnh suốt đêm qua, không chừng F0 rồi cũng nên.

Tôi rời ca trực của mình ở bệnh viện, những ngày này số người nhiễm virus Corona đang tăng nhanh. F0 giờ “đông như quân Nguyên”, nhưng nhiễm SARS-CoV-2 đã không còn gây lo lắng nữa vì hầu hết đều nhẹ, không triệu chứng. Tự dưng, tôi nhớ tựa cuốn sách Every Munite Is A Day của Robert Meyer và Dan Koeppel mà tôi đang nhận viết lời giới thiệu cho bản tiếng Việt sắp in, Một phút một giây tựa một ngày trời. Cuốn sách viết về những ngày tháng đối mặt với thảm họa dịch bệnh từ không gian phòng cấp cứu của hệ thống bệnh viện Montefiore, New York (Mỹ), “thành phố lớn nhất của một quốc gia giàu có nhất, quyền lực nhất thế giới đang ngã quỵ”.

Những ngày đầu tiên, một bác sĩ kỳ cựu như Robert Meyer cùng với đội ngũ nhân viên phòng cấp cứu vẫn “choáng váng” trước một căn bệnh quá mới lạ và quá tàn khốc mà cách đối phó “không phải bằng các kỹ thuật dựa trên dữ liệu và sự đo lường của y học hiện đại”, không có một hướng dẫn thực hành đáng tin cậy nào, và “mọi người đang chết vì không ai biết phải làm gì”. Tất cả như đang chìm trong mù sương. Các bác sĩ chuyên khoa cấp cứu luôn tự hào là chỗ dựa mạnh mẽ và đầu tiên của tất cả bệnh nhân trong cơn nguy kịch, nhưng giờ đây “niềm tự hào đang bị sự sợ hãi đè bẹp”. Cuốn sách gây ám ảnh không chỉ vì những xe đông lạnh chở xác xếp hàng dài chừng như vô tận mà còn bởi những “cơn biến động” tinh thần của các bác sĩ phòng cấp cứu khi chứng kiến quá nhiều cái chết trong một ngày, cái chết nhiều hơn sự sống.

Đại dịch đang dần qua đi, dẫu có thể trở thành một bệnh đặc hữu như cúm mùa, nhưng những di hậu của nó vẫn còn ám ảnh dài lâu đối với thế giới con người. Người ta sẽ còn nói nhiều về con virus Corona đã làm thay đổi tất cả, theo một cách khốc liệt nhất, từ sự vận hành của toàn bộ xã hội cho đến những sang chấn tâm lý của mỗi cá nhân. Những bài học đích đáng từ đại dịch là gì? Tại sao có quá nhiều người chết, quá nhiều những câu chuyện đau thương chưa từng có tiền lệ? Virus Corona có thể mới nhưng dịch bệnh thì không hề. Xã hội và khoa học đã phát triển đến đâu mà con người lại phải chịu đựng những tổn thất khủng khiếp chỉ do một con virus nhỏ nhoi gây ra?

Tôi chìm trong sương mù sớm mai Huế. Không lãng mạn lâu được. Vợ tôi chính thức F0. Và tôi cuối cùng cũng vậy, sau nhiều tháng tìm cách chống trả trong môi trường bệnh viện. “COVID-19 đã làm cho cuộc sống trở nên xa lạ hơn cả tiểu thuyết viễn tưởng, nhưng chúng ta lại bị mắc kẹt trong nó chứ không thể gạt nó sang một bên giống như khi đọc phải một cuốn sách dở tệ”, bác sĩ Robert Meyer đã viết như thế; nhưng “mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”, ông nói. Hy vọng, Huế của tôi sẽ không bị chìm trong cơn mù đại dịch, để mỗi người ít ra có thể gập lại cuốn sách viễn tưởng đáng quên đó, đứng lên với ánh rạng ngày.

PHẠM NGUYÊN TƯỜNG

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Vẫn thấy anh như còn đó!

GS. Cao Huy Thuần, một tác giả văn xuôi bằng ngôn ngữ thi ca, đã …