Trận đánh cuối cùng của Quân đội Mỹ ở Việt Nam – Kỳ 1: Cao điểm 935 nằm ở đâu?

Trong một lần trò chuyện, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn cho biết, năm 2001, ông có tiếp xúc với một vị tướng Mỹ hồi hưu tên là tướng Harrison. Trong chiến tranh Việt Nam, tướng Harrison là Đại tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 101 Dù của Quân đội Mỹ.

Cuộc thất bại 30 năm nhìn lại

Đến Huế, vị tướng này mong muốn được thăm lại chiến trường xưa, nhưng do giao thông cách trở nên không thể. Cuối cùng, ông chỉ gặp Trung tá Phạm Văn Đính (nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 Sư đoàn 3 Bộ binh Quân đội Sài Gòn năm 1972 đầu hàng Quân giải phóng), người mà ông đã quen biết trong chiến dịch Lam Sơn 719 khi tướng Harrison được cử làm Cố vấn cho Sư đoàn I Quân đội Sài Gòn.

Căn cứ 935/Ripcord. Ảnh: Tư liệu

Để có cái nhìn từ hai phía, năm 2003, tướng Harrison trở lại Việt Nam và lần này ông đã lên Cao Bằng gặp tướng Chu Phương Đới, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324 Quân Giải phóng – người trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công, bao vây cứ điểm 935, phía Quân đội Mỹ gọi là trận Ripcord diễn ra trong tháng 7/1970.

Sau những chuyến đi này, năm 2004, tướng hồi hưu tướng Harrison cho xuất bản cuốn sách “Hell on a hill top: America’s last major battle in Vietnam – Địa ngục trên đỉnh đồi: Trận đánh cuối cùng của Mỹ tại Việt Nam”.

Trong tác phẩm của mình, tướng Harrison dẫn bối cảnh tình hình chiến cuộc ở Việt Nam năm 1970; đặc biệt là sau khi Quân đội Mỹ phối hợp với Quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân vượt biên giới Cambodia nhằm tìm và diệt các cơ quan lãnh đạo của Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam nhưng thất bại và chiến dịch Ngôi sao Texas (Texas star operations) ở Trị Thiên do Sư đoàn 101 Dù Mỹ phối hợp với Sư đoàn I Bộ binh của Quân đội Sài Gòn triển khai nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho miền Nam qua tuyến đường mòn Hồ Chí Minh nhưng không thành. Nguyên nhân sâu xa là do Ripcord – căn cứ hỏa lực trọng yếu của Quân đội Mỹ bị Quân giải phóng tấn công, bao vây và bị vùi dập, để cuối cùng buộc phải tháo chạy khỏi nơi mà ông xem là Địa ngục trần gian!

Vậy cao điểm 935/ Ripcord nằm ở đâu?

Theo bản đồ quân sự Mỹ, căn cứ hỏa lực Ripcord/ 935 nằm ở phía đông thung lũng A Shau – A Lưới còn hiện tại nó nằm ở phía tây xã Phong Sơn, huyện Phong Điền. Do ô tô không đến được, muốn lên 935/Ripcord, từ vùng nước nóng Thanh Tân phải đi bộ vượt qua dốc Chuối, vượt dãy núi Cốc Muộn đi tiếp mới đến nơi.

Mặc dù không cao hơn các ngọn núi xung quanh, nhưng sau khi san bằng, đỉnh núi 935/Ripcord rộng hơn 100.000m2 nên nó đáp ứng yêu cầu để thiết lập một căn cứ hỏa lực mạnh. Tại đây, trận địa pháo hỗn hợp gồm cối 81 và 106,7 ly; các loại pháo: 85, 105 và 155 ly. Nhờ có tới 3 bãi đáp nên các loại máy bay vận tải Chinook, CH-47 và trực thăng chiến đấu dễ dàng đưa quân, vũ khí, hậu cần tiếp ứng cho Ripcord!

Riêng Trung tâm tác chiến ở Ripcord, để tránh đạn cối pháo kích, Quân Mỹ cho đặt hệ thống conexes bằng thép bên trên có nhiều lớp bao cát ken dày. Bên trong căn cứ là hệ thống hầm hào có từng tấm cover che chắn và xung quanh Ripcord những lớp kẽm gai bùng nhùng, xen kẽ những bãi mìn định hướng Claymo, bẫy mìn chiếu sáng bảo vệ.

Khi Ripcord bị Quân Giải phóng tấn công, ngoài dùng hỏa lực từ các trận địa pháo xung quanh như: O’Reilly(Cốc Muộn), Barbara và Rakkasan đáp trả, Sư đoàn 101 Dù điều động trực thăng vũ trang, máy bay chiến lược B.52, máy bay B.57, máy bay C.130, máy bay được mệnh danh là Marine Intruder của Hạm đội 7 và thậm chí còn dùng cả máy bay Skyraider (của quân đội Sài Gòn) yểm trợ.

Việc vận chuyển vũ khí, đạn dược và quân nhu tiếp viện cho Ripcord được giao cho 2 tiểu đoàn hàng không số158, 159 đảm trách.

Sau hơn 3 tuần liên tục “vây – lấn – tấn – phá – triệt – diệt”, đến ngày 23/7/1970, bằng tinh thần chiến đấu ngoan cường, Quân Giải phóng đã buộc Lữ đoàn 3 Sư đoàn 101 Dù Mỹ tháo chạy khỏi căn cứ 935/Ripcord!

Câu hỏi đặt ra là tại sao phải mất 30 năm (1970-2000) trận đánh giải vây cho Ripcord mới được phía Mỹ nhìn nhận là thất bại?

Keith W. Nolan, tác giả của cuốn sách “Ripcord: Screaming Eagles under siege – Đại bàng gào thét đang bị bao vây” cho biết: Sư 101 cấm các phóng viên đến căn cứ trong và sau trận chiến nên không hề có một dòng nào viết về trận đánh này, mà sự trả giá thậm chí còn nặng nề hơn cả Humbuger Hill”, do vậy mà tin tức, bài viết cũng như hình ảnh về Ripcord không hề xuất hiện trên báo chí, truyền hình Mỹ.

Khi cuộc chiến diễn ra, Chriss Jensen, một nhiếp ảnh viên của Sư đoàn Dù 101 liều lĩnh tìm đến đến Ripcord. Do bị buộc phải ở trong căn cứ nên hình ảnh về cuộc chiến diễn ra ở xung quanh Ripcord không được ghi lại vì e sợ nếu hình ảnh bị lộ lọt cho báo chí thì Ripcord sẽ tạo cơn địa chấn trên chính trường Mỹ không thua kém gì Hambuger Hill – Đồi thịt băm diễn ra vào tháng 5/1969!

Do bị bưng bít thông tin nên mãi đến năm 1985, những cựu binh Mỹ tham dự trận chiến này mới kể lại.

Và đến nay đã có 5 cuốn sách được xuất bản ở Mỹ đề cập về trận đánh này.

Trong khi đó, ở Việt Nam mặc dù các nhà quân sự, các tác giả tuy có đề cập (như bộ Lịch sử chiến tranh chống Mỹ, cuốn Lịch sử Sư đoàn 324, cuốn Lịch sử Trung đoàn 3, cuốn Lịch sử Trung đoàn 6 và một số hồi ký, trong đó có cuốn của Đại tá Hồ Hữu Lạn, Thiếu tướng Lê Huy Mai…), nhưng vẫn chưa đánh giá hết tầm quan trọng về “trận đánh cuối cùng của Mỹ tại Việt Nam” ở cao điểm 935/Ripcord.

Trận đánh phủ đầu

Nhằm từng bước tiến hành chiến lược “Việt Nam hóa” chiến tranh, tháng 4/1970, Sư đoàn 101 Dù của Mỹ phối hợp với của Sư đoàn I Bộ binh của Quân đội Sài Gòn mở “Chiến dịch Ngôi sao Texas – Texas Star Operations.”

Trọng tâm của chiến dịch này là tấn công vào phía nam thung lũng Đắc Krông – Quảng Trị và phía bắc thung lũng A Shau – Thừa Thiên Huế nhằm đánh phá kho tàng và tuyến đường 559, ngăn chặn Quân Giải phóng thâm nhập đồng bằng, đô thị.

Đã nhiều lần chạm trán với binh sĩ của Sư đoàn 101 Dù của Mỹ, đặc biệt là trận A Bia/Hamburger Hill tháng 5/1969, do biết rõ ưu thế tầng tầng, lớp lớp của hỏa lực không quân Mỹ nên Sư đoàn 324 đã xây dựng phương án tác chiến tối ưu nhằm “nhổ” cho bằng được Ripcord – cái đinh quan trọng của “Chiến dịch Ngôi sao Texas”!

Để đảm bảo thắng lợi, đích thân Sư trưởng Chu Phương Đới đã cùng chỉ huy và trinh sát Trung đoàn I đã đến những khu vực xung quanh Ripcord và các cao điểm mà đối phương thường đóng quân hoặc đổ quân. Đồng thời, quan sát độ cao cũng như hướng máy bay thường vào ra Ripcord, qua đó chuẩn bị công sự, dự kiến nơi rút lui; bố trí hỏa lực vừa tấn công vừa khống chế, triệt tiêu sự cơ động của binh sĩ Mỹ.

Do mọi hoạt động từ chuyển quân, tiếp tế, tải thương đến chiến đấu ở vùng rừng núi tất tần tật, Quân đội Mỹ đều dựa vào trực thăng và đây cũng chính là “gót chân Achilles” được Quân giải phóng khai thác triệt để.

Chính vì vậy mà trước khi khai chiến, Trung đoàn I (do Vũ Thế Đào làm Trung đoàn trưởng; Nguyễn Đàm làm Chính ủy – sau này là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Trị Thiên; Lê Hữu Thỏa làm Trung đoàn phó – sau này là Thiếu tướng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị), được tăng cường 1 Tiểu đoàn Đặc công (7B) và 3 Đại đội hỏa lực gồm: Đại đội 17 DKZ, Đại đội 16 súng cối 82 ly và Đại đội súng máy 12,7 ly để phối hợp với Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 6 Quân khu Trị Thiên (do Nguyễn Khắc Dương làm Tiểu đoàn trưởng – sau này là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 4) trực tiếp tấn công, bao vây căn cứ 935/Ripcord.

Còn Trung đoàn 3 (do Nguyễn Hòa Bình chỉ huy; Lê Văn Dánh làm Chính ủy) được tăng cường 1 Đại đội 12,7 ly, được Sư đoàn 324 giao nhiệm vụ ghìm, ngăn không cho đối phương từ núi Cô Pung (Mỹ gọi là khu vực nhà kho – Warehouse Area) và cao điểm 1078 chi viện cho Ripcord.

Khi tất cả đã sẵn sàng vào trận, Sư đoàn 324 quyết định tấn công.

Sáng 1/7/1970, những quả đạn cối đầu tiên của Quân Giải phóng đã rót vào các cao điểm: 935/Ripcord,1.278/Cô Pung và 1078, mở màn cho trận đánh kéo dài hơn 3 tuần ở núi rừng phía tây Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Phía Quân giải phóng gọi là trận đánh cao điểm 935, phía Quân đội Mỹ gọi làn trận Ripcord!

Nếu trận kịch chiến ở A Bia – Hamburger Hill (tháng 5/1969), chủ yếu là do Quân Mỹ chủ động tấn công, thì ngược lại ở trận chiến xung quanh 935/Ripcord chủ yếu do Quân giải phóng chủ động khai chiến.

Đúng như nhận định, sau khi Ripcord bị pháo kích, Tiểu đoàn 2/506 của Lữ đoàn 3 Dù Mỹ đã điều 2 Đại đội Delta và Charlie cho máy bay đổ quân xuống cao điểm 805. Nhưng trên đường bay đến, 4 chiếc trực thăng đã bị khẩu đội 12,7 ly bắn rơi; còn số binh sĩ đổ quân, chưa kịp đào công sự đã bị Quân giải phóng áp sát tiêu diệt, buộc phải tháo chạy.

Hàng chục lượt máy bay vận tải: Chinook và CH-47 chở vũ khí, đạn dược, quân nhu bay đến tiếp ứng cho Ripcord đã bị bắn, trong đó có 2 chiếc bị rơi!

Tình huống bất ngờ này làm cho Lữ đoàn 2 Sư đoàn Dù 101 Mỹ lúng túng và bị động. Sau khi huy động tối đa sức mạnh hỏa lực của không quân và pháo binh đáp trả, sáng 2/7, tướng Hennessey, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Dù 101 đã cho điều Tiểu đoàn 2/501 (do Trung tá Livingston chỉ huy) đến giải vây cho 935/Ripcord, nhưng không ngờ khi đổ quân xuống cao điểm 902 (Dốc Mây) đã có đến 10 chiếc trực thăng bị bắn hạ. Do bị Quân giải phóng đánh phủ đầu, binh sĩ Mỹ buộc phải tản ra các sườn đồi phòng thủ.

Phạm Hữu Thu

(còn nữa)

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …