TS. Hồ Thắng phát biểu tại Hội nghị công bố giải thưởng
Tôn vinh nhưng phải xét chọn nghiêm túc để đảm bảo chất lượng
Theo Giám đốc Sở KH&CN – Trưởng Ban Tổ chức (BTC) Giải thưởng, là cơ quan thường trực của UBND tỉnh về tổ chức Giải thưởng, ngay từ khi xây dựng kế hoạch, chúng tôi đã xác định việc tuyển chọn hồ sơ, xét chọn nghiêm túc để đảm bảo chất lượng nhằm đánh giá, lựa chọn các CT/CCT có giá trị khoa học để trao tặng. Theo đó, BTC đã thành lập 4 Hội đồng xét tặng Giải thưởng chuyên ngành theo các lĩnh vực. Việc lựa chọn các thành viên Hội đồng được tiến hành chặt chẽ, bài bản, các thành viên phải là những nhà khoa học đầu ngành trong từng lĩnh vực, đặc biệt là đảm bảo các yếu tố khách quan, minh bạch và công bằng.
Khác với những lần tổ chức trước đây, năm nay, BTC đã ban hành Quy chế xem xét, đánh giá CT/CCT đề nghị xét tặng Giải thưởng để cụ thể hóa công tác chấm điểm, đánh giá đảm bảo tính trung thực, khách quan, chính xác. Một khác biệt nữa là BTC đã mời các tác giả thuyết trình và trả lời chất vấn của Hội đồng chuyên ngành. Như vậy, công tác xét tặng được thực hiện bài bản hơn, đi vào chiều sâu hơn. Qua 4 Hội đồng, đã lựa chọn 17/40 hồ sơ để trình Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp tỉnh.
Chỉ đạo về công tác xét tặng Giải thưởng, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Việc ghi nhận, vinh danh những cống hiến của các nhà khoa học là rất cần thiết, được lãnh đạo tỉnh quan tâm và chỉ đạo sâu sát, thường xuyên. Chúng ta không nên hạn chế về số lượng. Tôi đề nghị Sở KH&CN nên tăng số lượng các công trình trao tặng, không phải là 15-17 mà trên cả 20, tỉnh cũng chấp nhận, đồng thuận. Nhưng việc xét tặng phải công bằng, minh bạch và đảm bảo chất lượng.
GS. TS. Phạm Như Hiệp (trong cùng) theo dõi các cộng sự thực hiện một ca phẫu thuật (ảnh minh họa). Ảnh: BVTW Huế cung cấp
14 công trình/cụm công trình xuất sắc được vinh danh
Ngày 20/12/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3339/QĐ-UBND về việc tặng Giải thưởng Cố đô về KH&CN lần thứ IV – năm 2021. Theo đó, có 14 CT/CCT được trao tặng: lĩnh vực khoa học kỹ thuật (1); khoa học tự nhiên (2); khoa học nông – lâm – ngư (2); khoa học xã hội và nhân văn (3) và khoa học y dược (6). Đây là những CT/CCT xuất sắc đã có những đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Lĩnh vực y dược với 6 CT/CCT được vinh danh đã khẳng định vị thế trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Trong đó, nổi bật là CCT “Ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế” của GS. TS. Phạm Như Hiệp và các cộng sự. Ca ghép thận đầu tiên được thực hiện từ năm 2001, đến nay đã thực hiện thành công hơn 1.000 ca ghép thận, 6 ca ghép tim và 1 ca ghép gan với nhiều kỹ thuật cao. Kết quả của CCT là một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển Bệnh viện Trung ương Huế đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế về y tế. Các kết quả nghiên cứu khác thuộc lĩnh vực y dược như nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật cao trong điều trị các bệnh lý tiêu hóa gan mật, đột quỵ, ung thư vú, sỏi mật… đã đánh giá, dự báo, xây dựng được các mô hình, quy trình trong khám và chữa bệnh đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
Đặc điểm chung của các CT/CCT thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được trao tặng đều hướng đến những giá trị truyền thống của văn hóa Huế, như công trình “Nghiên cứu giải pháp phát triển bền vững nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” của TS. Hồ Thắng và cộng sự đã hệ thống hóa và bổ sung những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững nghề và làng nghề truyền thống; phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Công trình “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” đã quảng bá, giới thiệu giá trị di sản tư liệu quý hiếm và độc đáo đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước, phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa, phong tục…
Kết quả các CT/CCT thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật, tự nhiên và nông nghiệp đã đưa ra những giải pháp trong phát triển kinh tế – xã hội thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin – trí tuệ nhân tạo; ứng dụng các công nghệ sinh học hiện đại để nhân giống cây trồng; là những dữ liệu khoa học mới và quan trọng về hệ gen, trình tự các gen để hướng đến sản xuất một số hoạt chất sinh học có giá trị; khai thác và phát triển được các loại cây trồng có giá trị kinh tế (cây Nha đam giống Mỹ, Giọt Băng và Sen Huế)… Hay như kết quả của công trình “Nghiên cứu di sản địa chất làm cơ sở khoa học để thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang – Bạch Mã” là cơ sở khoa học để thành lập công viên địa chất ở khu vực Tam Giang – Bạch Mã.
Giải thưởng Cố đô về KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực sự lan tỏa rộng khắp với uy tín ngày càng cao, thu hút không chỉ các nhà khoa học mà cả những cá nhân đam mê sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, say mê nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. Đây cũng là sự đóng góp to lớn của tổ chức, cá nhân trong sự nghiệp phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá.
Giải thưởng Cố đô về khoa học và công nghệ được tổ chức 5 năm một lần – là giải thưởng của UBND tỉnh nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có vai trò chính trong các CT/CCT khoa học xuất sắc được thực hiện tại Thừa Thiên Huế. Đó là những nghiên cứu khoa học có giá trị nhằm giải quyết những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tại Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung.
Giải thưởng được chính thức tổ chức xét tặng lần đầu vào năm 2006, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh; qua 5 lần tổ chức đã có 113 hồ sơ đăng ký tham gia, trong đó có 47 CT/CCT được Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng.
Đức Phú – Diệu Hà