Tình Huế trong “Sông Hương đôi bờ thương nhớ”

Tôi “gặp” “Sông Hương đôi bờ thương nhớ” của tác giả Nguyên Du trong một lần lang thang nơi con hẻm nhỏ lao xao gió bên đường Đội Cung. Ở đó có một tiệm sách nho nhỏ cũng mang sắc vàng rực rỡ của nắng. Chủ tiệm không phải là người Huế nhưng lại yêu đất và người xứ Huế nên đã dành riêng một kệ sách đầy trang trọng để trưng bày các tác phẩm của nhiều tác giả Huế. Giữa muôn vàn những đầu sách với những tên sách đầy ấn tượng, lôi cuốn, chẳng hiểu sao chiếc bìa sách màu tím thiết tha lại gợi lên trong tôi bao cảm xúc. “Sông Hương đôi bờ thương nhớ” đã theo tôi về khu vườn đầy nắng và rộn rã tiếng chim trong một sớm mai như thế.

Sách “Sông Hương đôi bờ thương nhớ” của Nguyên Du

Bên tách trà sen thơm ngát khi mùa hoa đã cạn, ngồi dưới bóng cây xanh um, giữa những tiếng ríu ra ríu rít của lũ chim trời, tôi đọc thật chậm cuốn sách như muốn thâu nạp hết từng câu từng chữ trong đó. Mỗi con người, mỗi địa danh hiện lên qua những trang viết của tác giả đều dễ dàng chạm vào lòng người đọc. 31 tạp văn là 31 câu chuyện mà ở đó những kỷ niệm thuở ấu thơ như lớp phù sa dịu ngọt vẫn gợi hoài những nhớ thương trong tâm hồn. Đó là những tháng ngày tuổi thơ trong veo cùng lũ bạn tắm sông bên Kim Long, hay loanh quanh trên đồi thôn Thượng tìm trái dại. Ở đó có những hoài niệm về mối tình đầu dang dở thời trẻ dại, lúc ấm áp nhẹ nhàng thì như cơn mưa phùn mùa xuân mà lúc buồn thì như mưa đông xứ Huế rả rích. Và, ở đó cũng có những người bạn, người thầy, có xóm giềng, người thân hiện ra đầy yêu thương dào dạt. Những tên đất, tên làng, những địa danh xưa cũ đôi khi đã bị bụi thời gian xóa nhòa dấu vết được tác giả khơi gợi, nhắc nhớ bằng một cảm xúc thiết tha.

Bằng những ngôn từ giản dị, không màu mè, bóng bẩy, tác giả đã vẽ lại những bức tranh đầy sinh động về bóng dáng một Huế xưa qua “Một vòng Thượng Tứ”, “Ai về Nam Giao”, “Nỗi niềm Bến Ngự”, “Một thoáng An Cựu”, “Chợ Cống một thời”, “Đây miền Hà Khê”… khiến người đọc khi thì say mê, háo hức lúc lại miên man trầm lặng. Phải là người thật sự yêu đất, yêu người xứ Huế, phải có cảm xúc chân thành từ trái tim yêu thương tha thiết với vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên cùng một trí nhớ vô cùng tốt mới có thể tái hiện những góc Huế rõ nét và đầy dịu dàng như thế.

Cuốn tạp bút “Sông Hương đôi bờ thương nhớ” của tác giả Nguyên Du do NXB Thanh Niên ấn hành đầu năm 2022. Trước đó, tác giả cũng lần lượt cho ra đời nhiều đầu sách mang đậm hơi thở của Huế như “Bí bầu lớn xuống”, “Nhất Huế nhì Sịa”, “Tiếng dạ, tiếng thương”. Đọc “Sông Hương đôi bờ thương nhớ”, không chỉ để thấu cảm một tâm hồn luôn nặng tình với Huế, mà ở đó người đọc còn bắt gặp một nguồn tư liệu, sử liệu ăm ắp về Huế, giúp người đọc hiểu hơn về văn hóa, con người của xứ Kinh kỳ một thuở.

Người đọc sẽ biết, tại sao ở Huế lại có nhiều tên làng giống nhau. Bởi vì “khi đi khai khẩn vùng đất mới, họ vẫn lấy tên làng xưa như ở trên Tuần có các làng Dương Phẩm, La Khê, An Ninh, Nguyệt Biều, Vỹ Dạ…, cách xa làng cũ mười mấy dặm” (Qua phía Dương Xuân). Hay như làng La Khê phía đầu nguồn sông Hương, nơi ngã ba Tuần, “Người dân làng La Khê ở Bao Vinh cả trăm năm trước, lên đây lập nghiệp án ngữ ở cả ba phía mặt sông, bên ni là La Khê Hói có khe Châu Ê chảy xuống, bên tê là La Khê Bãi lối lên lăng vua Minh Mạng, bên tê nữa là La Khê Trẹm, bến đò có những bậc cấp lên cao” (Đò qua bến Trẹm). Bến đò Trẹm bây giờ vẫn còn, nhưng bến đò Thừa Phủ chở nữ sinh đồng Đồng Khánh ngày xưa và bao bến đó khác đã chìm trôi vào dĩ vãng cùng bến xe Từ Đàm, những rạp xi nê ngày trước, mấy hiệu ảnh cũ, những tiệm sách xưa chỉ còn lại trong ký ức.

Đọc “Sông Hương đôi bờ thương nhớ”, người đọc sẽ nhận ra, những ngôn từ giản dị đôi lúc lại có thể toát lên vẻ đẹp đến nao nao. Và ở đó, chúng ta sẽ nhận ra tấm lòng của một người con xứ Huế với quê hương của mình.

Bài, ảnh: Lê Hà

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …