Bạn đọc với báo Đảng tại Hội báo Xuân Đà Nẵng. Ảnh BÁO ĐÀ NẴNG
Trong thời đại công nghệ số, bùng nổ thông tin, nhiều bạn đọc vẫn tìm đến báo Đảng địa phương để cập nhật những thông tin chính thống, nhất là những thông tin đang được dư luận xã hội quan tâm. Trên khắp mọi miền Tổ quốc, đội ngũ những người làm báo Đảng địa phương đã nỗ lực phản ánh sinh động những vấn đề từ thực tiễn, mang đến cho bạn đọc những tác phẩm báo chí hay và hấp dẫn.
Niềm tin yêu báo Đảng
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập và đoàn công tác Báo Nhân Dân đến thăm tòa soạn báo Lâm Đồng. Ảnh: MAI VĂN BẢO
Việc đọc báo Đảng đã là thói quen từ lâu đối với đồng chí Păng Ting Sin, Bí thư chi bộ Tổ dân phố Bon Đơng 1, thị trấn Lạc Dương (Lạc Dương, Lâm Đồng). Trong những buổi sinh hoạt chi bộ, đồng chí bí thư thường đọc những bài báo hay trên báo Lâm Đồng, để phổ biến những mô hình phát triển kinh tế phù hợp, để đảng viên làm theo và tuyên truyền đến người dân.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và đại biểu tại không gian Hội Báo Xuân Lâm Đồng. Ảnh: MAI VĂN BẢO
Đồng chí Păng Ting Sin chia sẻ: Trong hội thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của thị trấn vừa qua, Chi bộ mình làm tiểu phẩm chủ đề “Người dân tộc thiểu số nói không với cái nghèo”, từ gợi ý trên báo Lâm Đồng…
Bí thư chi bộ bản Căng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) Lo Thị Hương nhận xét: “Báo Nghệ An có nội dung hết sức phong phú, đa dạng; thông tin thời sự cập nhật nhanh, chính xác trên cả báo giấy, báo điện tử, truyền hình, báo nói và trên các nền tảng hiện đại. Báo đã có nhiều chuyên trang, chuyên mục, với lối viết dễ đọc, dễ hiểu, dễ làm theo về các mô hình, phong trào vùng đồng bào dân tộc miền tây Nghệ An…”.
Chia sẻ về kinh nghiệm tuyên truyền về lĩnh vực xây dựng Đảng, đồng chí Ngô Kiên, Tổng Biên tập Báo Nghệ An, cho biết: “Nhiều người nghĩ rằng viết về xây dựng Đảng là vấn đề khô, khó, khổ! Tuy nhiên, nếu biết cách thì chúng ta có thể tuyên truyền phong phú, sinh động, bởi vì các hoạt động của công tác Đảng đều gắn liền với các phong trào thi đua ở cơ sở, gắn với con người cụ thể. Mỗi bài báo đều bố trí nhiều ảnh, video, biểu đồ…, giúp độc giả dễ tiếp cận hơn. Báo còn lập những fanpage trên facebook, xây dựng kênh truyền hình trên youtube, tiktok… để độc giả có thể dễ dàng tiếp cận thông tin”.
Theo Tổng Biên tập báo Tuyên Quang Mai Đức Thông, báo có nhiều bài viết phản ánh kịp thời về những mô hình hay, cách làm mới, những nhân tố tiêu biểu trên các lĩnh vực, với các chuyên mục cụ thể, trở thành tài liệu, kinh nghiệm quý cho cấp ủy trong quá trình điều hành, lãnh đạo cũng như giúp người dân vùng sâu, vùng xa học cách làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo…
Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Thành ủy Đà Nẵng, báo Đà Nẵng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua. Đồng chí Đoàn Ngọc Hùng Anh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, cho biết: Trong những năm qua, Thành ủy Đà Nẵng đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn, để nâng cao chất lượng báo Đà Nẵng. Thành ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành tạo điều kiện để báo phát triển, nhất là về chuyển đổi số…Vì thế, chất lượng tờ báo được quan tâm, đổi mới nội dung và hình thức theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp hơn; trình độ đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên ngày càng được nâng cao.
Đặc biệt, trong hai năm 2020, 2021, khi tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của báo Đà Nẵng đã nỗ lực, tích cực tuyên truyền kịp thời, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực công tác phòng, chống dịch.
Báo Lâm Đồng luôn giữ vững dòng thông tin chính thống, định hướng kịp thời dư luận xã hội; tuyên truyền nhanh nhạy, đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực vào việc ổn định tư tưởng chính trị, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đồng chí Trần Đức Quận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng, đánh giá: Phóng viên báo Lâm Đồng đã miệt mài tác nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Báo đã góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tại địa phương…
Thời gian qua, Báo Sài Gòn Giải Phóng luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, nhằm cung cấp thông tin nhanh chóng, đầy đủ và chuẩn xác đến bạn đọc. Báo thực hiện những đợt cải tiến toàn diện, từ hình thức trình bày đến nội dung và có những điều chỉnh kịp thời theo xu thế chuyển đổi số. Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong cho rằng: Báo tiếp tục giành được sự quan tâm và tình cảm của bạn đọc, nhất là với cán bộ, đảng viên, công chức trong các cơ quan của hệ thống chính trị Thành phố Hồ Chí Minh, cán bộ hưu trí, đảng viên cao tuổi Đảng, là nguồn thông tin kiểm chứng khi có các thông tin trái chiều nhau…
Những khó khăn, thách thức
Mô hình “Tòa soạn hội tụ đa phương tiện, phóng viên tác nghiệp đa loại hình, lấy công nghệ thông tin làm nền tảng” được Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh triển khai hiệu quả. Ảnh: Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh
Theo Giám đốc, Tổng Biên tập Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh Mai Vũ Tuấn, khó khăn hiện nay của Trung tâm là hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu tập trung, lạc hậu, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và sản xuất chương trình trên các hạ tầng. Quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về định mức sản xuất đối với các sản phẩm báo chí chưa phù hợp thực tiễn, nên khó khăn cho việc xây dựng đơn giá định mức, cơ chế đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công đối với báo chí, định mức sử dụng xe công vụ cho các cơ quan báo chí…
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tổ chức bộ máy và nhân lực là khó khăn lớn nhất đối với hệ thống báo Đảng địa phương hiện nay. Theo Tổng Biên tập báo Tuyên Quang Mai Đức Thông, số biên chế của báo đã thực hiện ở mức tối thiểu theo Quy định số 338-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan báo của Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Để khắc phục, Báo Tuyên Quang đang phải thực hiện hợp đồng thỏa thuận cộng tác viên và phải kiêm nhiệm nhiều vị trí; chưa có các chức danh quay phim, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên dựng hình chuyên nghiệp…
Tổng Biên tập Báo Nghệ An Ngô Kiên cho rằng: “Áp lực phải tinh giảm biên chế, trong lúc khối lượng công việc của tòa soạn tăng thêm gấp ba, gấp bốn lần so với trước đây. Thường thì các báo tự khắc phục khó khăn này bằng hình thức sử dụng chuyên gia, sử dụng cộng tác viên. Báo chí đa phương tiện đòi hỏi phóng viên phải tinh thông nhiều công việc; trong lúc trình độ chuyên môn của một số phóng viên chưa đáp ứng được trong tình hình mới…”.
Lãnh đạo báo Đồng Nai trao đổi nghiệp vụ với các ban chuyên môn về nội dung xuất bản báo in. Ảnh: Báo ĐỒNG NAI
Tổng Biên tập báo Đồng Nai Đào Văn Tuấn nhận xét: “Vấn đề về đào tạo, thay đổi từ tư duy báo in truyền thống sang tư duy đa nền tảng, đa phương tiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi Ban Biên tập báo phải hết sức quyết liệt trong chuyển đổi, vì liên quan đến chuyên môn như cách viết, tư duy đề tài, các kỹ năng thể hiện mới lạ trên các nền tảng khác nhau. Vẫn còn một số phóng viên, biên tập viên mang tâm lý ngại đổi mới, ngại học hỏi và ngại thay đổi. Nguồn kinh phí và việc tự chủ công nghệ để triển khai chuyển đổi số còn nhiều hạn chế…”.
Theo Tổng Biên tập báo Sóc Trăng Nguyễn Văn Triều, để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao, nhất là trong tình hình mới, báo gặp không ít những khó khăn, thách thức, nhất là về cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển theo hướng truyền thông đa phương tiện…
Qua khảo sát hệ thống báo Đảng địa phương do Báo Nhân Dân tổ chức cho thấy: 50,7% báo Đảng địa phương gặp khó khăn về biên chế, tổ chức bộ máy, 51,9% gặp khó khăn về cơ chế tài chính, 42,6% có khó khăn về đầu tư cơ sở vật chất, 20,4% có khó khăn về quy định mức nhuận bút; 68,5% cơ quan báo Đảng địa phương có thực hiện đổi mới, sáng tạo trong hoạt động báo chí nhưng diễn ra chậm; 40,7% báo Đảng địa phương mới bắt đầu triển khai ứng dụng nền tảng truyền thông xã hội trong hoạt động báo chí tại tòa soạn; 35,2% có biện pháp để khuyến khích đổi mới, sáng tạo nhưng còn chung chung; 100% lãnh đạo báo Đảng địa phương kiến nghị cần sửa đổi các cơ chế, chính sách đối với báo Đảng địa phương hiện nay…
Yêu cầu của đổi mới
Sự phát triển của truyền thông số, sự bùng nổ của mạng xã hội, đặt ra cho báo Đảng địa phương những thách thức, yêu cầu rất lớn trong việc chuyển tải thông tin, định hướng và dẫn dắt dư luận xã hội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, cho rằng: “Báo Nghệ An cũng như báo Đảng địa phương khác rất cần có sự dẫn dắt và kết nối để cùng phát triển”.
Chủ tịch Hội Nhà báo, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Nguyễn Đức Nam đề xuất: Cần đánh giá lại thực tiễn hoạt động của báo Đảng để thay đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp; tiếp tục có kế hoạch dài hạn để đào tạo đội ngũ làm báo vững vàng về quan điểm chính trị, đạo đức, lối sống và giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ báo chí để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…
Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng Hồ Thị Lan đề nghị: Hội Nhà báo Việt Nam cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ cho những người làm báo Đảng, nhất là lĩnh vực truyền thông đa phương tiện, nhằm tạo bước đột phá mạnh mẽ từ tư duy đến cách làm của đội ngũ cán bộ, phóng viên đã quá quen với việc viết báo in truyền thống. Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Nhân Dân và Hội nhà báo Việt Nam tăng cường tổ chức những hội thảo chuyên đề hướng đến nâng cao chất lượng báo Đảng, giúp những người làm báo Đảng có dịp trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng báo Đảng trong xu thế hiện nay.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Hồng Dương kiến nghị: “Bộ Thông tin và Truyền thông cần quan tâm, nghiên cứu sửa đổi các thông tư hướng dẫn xây dựng đơn giá và định mức các sản phẩm báo chí theo hướng định mức phải tính đúng, tính đủ các chi phí sản xuất và nhuận bút sản xuất sản phẩm báo chí. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi Luật Báo chí hiện hành thành Luật Báo chí-Truyền thông; cần giảm chi phí sản xuất, tăng nguồn thu, cũng như cơ chế tài chính đối với báo Đảng ở địa phương…”.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê mong muốn: Báo Đảng của thành phố cần bám sát tôn chỉ, mục đích, chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức các nội dung tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương
Báo Nhân Dân luôn sẵn sàng hỗ trợ báo Đảng địa phương về chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực. Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh |
và thành phố gắn với điều kiện và tình hình thực tiễn của địa phương. Báo cần nêu cao vai trò tiên phong, định hướng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc trên không gian mạng; tăng cường phối hợp thông tin với các địa phương trong vùng nói riêng, các khu vực khác của cả nước nói chung để phát huy tối đa lợi thế của cơ quan báo Đảng, cùng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền theo chỉ đạo của Trung ương.
Trong những lần đến thăm, làm việc với báo Đảng các địa phương, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, đều khẳng định việc hỗ trợ báo Đảng địa phương là trách nhiệm của báo Nhân Dân. Báo Nhân Dân luôn sẵn sàng hỗ trợ báo Đảng địa phương về chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực… Ngày 12/11/2022, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Nhân Dân và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo báo Đảng trên cả nước. Hội nghị là dịp các báo Đảng địa phương đánh giá lại hiệu quả tuyên truyền, thảo luận những khó khăn, thách thức và những kiến nghị, đề xuất với các bộ, ban, ngành Trung ương; đồng thời chia sẻ những giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các ấn phẩm.
TheoNhân dân