Nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng, như vụ việc liên quan đến Công ty CP Công nghệ Việt Á. Ảnh: baochinhphu.vn
1. Thời gian gần đây, khi kết luận kiểm tra sai phạm của tập thể, cá nhân, thường xuất hiện những cụm từ “buông lỏng”, “thiếu tập trung dân chủ”… Kiểm tra lãnh đạo, quản lý thì “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ” được nhắc đến nhiều nhất.
Từ chỗ thiếu (mất) tập trung dân chủ đã phát hiện hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng, nhiều tập thể, cá nhân bị kỷ luật, khởi tố hình sự từ sai phạm của người đứng đầu. Các sai phạm của các ngành, địa phương như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Khánh Hòa, Bình Dương, Phú Yên, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh và gần đây nhất là tỉnh Hải Dương đều có chung hình thức.
Trong kết luận kiểm tra phần lớn đều xác định nguyên nhân là vi phạm “thiếu tập trung dân chủ” trong điều hành nhiệm vụ, quản lý cán bộ, quản lý kinh tế, áp đặt ý chí chủ quan, lấn át việc quyết định thuộc về tập thể. Những vi phạm xoay quanh quy chế làm việc, cơ chế lãnh đạo, quyết định những vấn đề lớn dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Cán bộ là người đứng đầu vi phạm với án kỷ luật rất nặng về Đảng, chính quyền và bị khởi tố hình sự. Vụ việc liên quan đến Công ty Việt Á gần đây hầu hết đều là những người đứng đầu CDC và Sở Y tế các địa phương, lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Khoa học công nghệ, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng). Trước đó, những sai phạm nghiêm trọng ở những dự án hàng ngàn tỷ đồng bị “đắp chiếu” của Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí, các ngân hàng cổ phần… là những điển hình về vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.
“Dân chủ” và “tập trung” có mối quan hệ biện chứng, ràng buộc, chế ước lẫn nhau, tạo thành liên kết chặt chẽ trong tổ chức Đảng. Nhấn mạnh “dân chủ” dẫn đến vô tổ chức, không chấp hành nhiệm vụ; “tập trung” quá mức dẫn đến quan liêu, độc đoán, quyền lực bị tha hóa, lợi dụng “quyền” nhằm mục đích cá nhân.
Đánh giá về nguyên tắc này, văn kiện Đại hội 13 đã nêu ra những tồn tại: “Nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng… Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong tổ chức và hoạt động của cấp ủy, tổ chức Đảng có nội dung chưa được quy định cụ thể phù hợp với tình hình thực tế, nhất là về mối quan hệ giữa tập thể, cá nhân và người đứng đầu, nên khó xác định trách nhiệm cá nhân khi xảy ra sai phạm”. Nhiều lãnh đạo cấp ủy không dám đấu tranh, cấp dưới không dám làm trái với ý kiến của cấp trên, tuân theo vô căn cứ, kể cả biết sai. Nhiều nơi người đứng đầu núp bóng tập thể, lợi dụng “cá nhân phụ trách” để quyết định những vấn đề trái với lợi ích chung. Tình trạng “tập thể lãnh đạo” rơi vào hình thức, “cá nhân phụ trách” tập trung quyền lực, cố tình làm trái nhưng được “hợp thức hóa” bằng quyết định của tập thể. Vô lý hơn khi người đứng đầu sai nhưng trong tập thể, cán bộ cấp phó, cán bộ phụ thuộc cũng phải chịu trách nhiệm khi xảy ra vi phạm. Mặt khác, khi quyền lực tập trung vào một số cá nhân sẽ dẫn đến chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết, nguyên tắc tập trung dân chủ bị hiểu sai lệch, suy diễn chủ quan…
2. Thực trạng nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là quyền lực bị tha hóa, gắn với quyền lợi cá nhân, “lợi ích nhóm”. Đấu tranh phê bình – tự phê bình đã bao hàm trong nguyên tắc bị thủ tiêu, vô hiệu hóa, “cấp dưới phục tùng cấp trên” một cách máy móc, thụ động. Ở nhiều nơi cán bộ “thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”, cơ chế bảo vệ cán bộ “dám nói” đang là điểm thắt chưa được tháo gỡ. Cùng với đó là thái độ “dĩ hòa vi quý”, nể nang, không muốn động chạm trong từng tập thể vô tình đã làm “tập trung” vô nguyên tắc lên ngôi, tha hóa quyền lực không được ngăn chặn.
Trong thực tế, nguyên tắc này chưa được lượng hóa trong hoạt động ở tổ chức cơ sở Đảng, nhất là đấu tranh phê bình, lấy ý kiến tập thể, vận động cán bộ, Nhân dân tham gia giám sát… Quy định “thiểu số phục tùng đa số” có khi còn là số ảo, “nguyên tắc quá bán” chưa phản ánh đúng thực chất, còn bị ảnh hưởng nhiều yếu tố khác, ràng buộc bởi áp lực của người đứng đầu. Thực tế nhiều vụ án vừa qua, cấp dưới bị sai phạm đều có dấu hiệu nể nang, không dám làm trái quyết định của cấp trên, vô tình đã đồng lõa với sai phạm.
Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản đã thực hiện từ trước đến nay, nhưng vẫn còn hiểu và áp dụng lệch lạc. Cần tổng kết rút ra những bài học, quy định rõ hơn nhằm ràng buộc trách nhiệm từ trên xuống dưới. Có như vậy mới bắt buộc người đứng đầu phải cân nhắc, thận trọng khi ra quyết định, cấp dưới có hành lang pháp lý dám nói thẳng, nói thật, bảo vệ lẽ phải. Dân chủ thực chất cần được phát huy, nhằm ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu tuân theo quy định, vì lợi ích chung.
Những sai phạm của người đứng đầu trong thời gian qua do nguyên nhân tổ chức Đảng cấp trên “buông lỏng” công tác kiểm tra. Do đó cần phải thực hiện công tác kiểm tra thường xuyên, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm. Mục đích là kiểm soát từ đầu, không chờ đến khi vụ việc bị “bung ra”, gây dư luận xấu mới “nhảy” vào thì đã quá muộn. Nhiệm kỳ Đại hội khóa 13 đã đưa ra chủ trương khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách nhưng cũng phải quy định rõ hơn, có chính sách bảo vệ cán bộ, chống trù dập. Cần công khai, minh bạch (trừ những bí mật Nhà nước) những chủ trương, nhiệm vụ có ảnh hưởng lớn cho cán bộ, Nhân dân tham gia giám sát, phát hiện sai phạm, hỗ trợ cho kiểm tra, giám sát của cấp trên.
Nguyên tắc tập trung dân chủ không chỉ trong sinh hoạt Đảng mà còn là nguyên tắc cơ bản, vai trò chủ đạo trong quản lý Nhà nước, xã hội. Phát huy tính tích cực nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng sẽ lan tỏa, hỗ trợ hoạt động của cơ quan hành chính, giúp quản trị Nhà nước ngày càng tốt hơn.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH