Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại lễ phát động.
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, biến đổi khí hậu được xem là thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại trong thế kỷ XXI với những tác động tiêu cực, đe dọa đến các hoạt động phát triển bền vững.
Các báo cáo về tình trạng khí hậu toàn cầu của Tổ chức Khí tượng thế giới thể hiện những thay đổi của hệ thống khí hậu trong những năm qua, các chỉ số về nồng độ khí nhà kính, nhiệt độ bề mặt, sức nóng của đại dương, axit hóa đại dương, băng tan và mực nước biển dâng, đều ở mức cao kỷ lục tại thời điểm quan trắc. Biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt hơn, các đợt nắng nóng kéo dài với cường độ cao hơn, lượng mưa lớn hơn và hạn hán cũng nghiêm trọng hơn.
Theo Liên hiệp quốc, tài nguyên nước là một phần cơ bản của tất cả các khía cạnh của cuộc sống, gắn bó chặt chẽ với các giá trị xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị, thông qua mối liên kết chặt chẽ với khí hậu, năng lượng, môi trường, an ninh lương thực… Tài nguyên nước là yếu tố quan trọng nhất để đạt được các chỉ tiêu phát triển bền vững, bao gồm cả những mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.
Vì vậy, chủ đề Ngày Nước thế giới: “Thúc đẩy sự thay đổi”; Ngày Khí tượng thế giới: “Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau”, và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 với chủ đề “Thời khắc quan trọng cho Trái đất” có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong các khía cạnh về môi trường – tài nguyên – sinh thái. Thời tiết, khí hậu và vòng tuần hoàn của nước không phân biệt ranh giới quốc gia.
“Các thông điệp nêu trên nhằm nhấn mạnh đây là thời điểm chúng ta cần thay đổi để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước, biến đổi khí hậu; kêu gọi toàn thể cộng đồng hợp tác hành động, thể hiện vai trò và trách nhiệm trước sự tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu; tạo ra sự khác biệt bằng cách thay đổi cách thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hàng ngày, giảm thiểu tác động suy thoái môi trường”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Theo báo cáo “Biến đổi khí hậu 2022: Tác động, Thích ứng và Tình trạng dễ bị tổn thương” do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu thực hiện, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất và cần thúc đẩy các giải pháp thích ứng ngay từ bây giờ. Nông nghiệp và an ninh lương thực, các hệ sinh thái tự nhiên, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng… đang đối mặt trước những thách thức của thiên tai bất thường, thời tiết cực đoan và ngày càng khó dự đoán.
Để giải quyết tốt những thách thức nêu trên, trong lĩnh vực tài nguyên nước, Việt Nam đang tích cực xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi; được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với lĩnh vực khí tượng thủy văn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bên cạnh đó, ngành đã tích cực triển khai xây dựng Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai công tác dự báo khí tượng, thuỷ văn chi tiết đến cấp huyện; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo về hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Đối với lĩnh vực biến đổi khí hậu, tiếp tục triển khai Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, chú trọng vào các giải pháp ưu tiên đối với các lĩnh vực và khu vực dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt là thực thi các cam kết của Việt Nam tại COP26 và COP27 trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết các thách thức toàn cầu; cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cấp Bộ, ngành, địa phương thống nhất rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nội luật hóa những nội dung điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Xây dựng kế hoạch cụ thể từ các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả cam kết của Chính phủ.
Để thiết thực hưởng ứng Chiến dịch giờ trái đất năm 2023, tất cả các địa phương cùng hành động tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết khác vào lúc 20h30 đến 21h30 ngày 25/3/2023 trên khắp mọi miền của Tổ quốc.
Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông phổ biến pháp luật liên quan tới khí tượng thủy văn, nhất là tại các khu vực dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan; quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; đẩy mạnh lối sống xanh và thân thiên môi trường, thiên nhiên, phát triển bền vững…
Đặc biệt, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia với cơ quan Quản lý thiên tai, Quản lý tài nguyên nước cũng như chính quyền địa phương và các bên liên quan để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ngày một tốt hơn.
Ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, là tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc và được dự báo sẽ bị tác động mạnh mẽ của BĐKH, tỉnh Hòa Bình luôn thấy rõ được tầm quan trọng của thời tiết và khí hậu. Các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình luôn “Sẵn sàng với thay đổi thời tiết, Ứng phó thông minh với khí hậu”.
Năm 2023, để hưởng ứng Ngày nước Thế giới, Ngày Khí tượng Thế giới, Chiến dịch giờ Trái đất, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện và thành phố triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng rộng rãi sự kiện quan trọng này.
Nhân Ngày Khí tượng thế giới 23/3, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh chung tay cùng cộng đồng, bằng những hành động thiết thực của mình sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả, giữ gìn vệ sinh môi trường, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng Xanh- Sạch- Đẹp- Văn minh và Hiện đại.
Theo bà Ramla Al Khalidi, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), nước là sự sống, mỗi giọt nước đều quý giá. Bởi vậy, chúng ta cùng phải có trách nhiệm cao hơn trong quản lý và sử dụng nguồn nước.
Hiện nay, UNDP đang phối hợp cùng với các đối tác giúp Việt Nam đối phó với hạn hán và thiếu nước sinh kế. Để giải quyết thách thức này, cần đẩy mạnh các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; ưu tiên triển khai mạng lưới khí hậu đáp ứng yêu cầu của từng lĩnh vực nhằm đưa ra kế hoạch sản xuất hiệu quả hơn và đầu tư chuyển đổi sang năng lượng xanh.
“UNDP cam kết hợp tác hiệu quả với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững”, bà Ramla Al Khalidi cho biết.
TheoBáo Tin tức