Với 44 bài viết được tựu trung vào các chủ đề: Sử học & Những vấn đề lịch sử (15 bài); Văn hóa & Di sản Văn hóa (12 bài); Thừa Thiên Huế – những góc nhìn hôm nay (7 bài); Diễn đàn những người yêu thích lịch sử (10 bài).
Huế từng là “phên giậu thứ tư về phương Nam” của Đại Việt một thời (thế kỷ XIV-XV), từ trị sở của chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong từ năm 1687, rồi Kinh đô của vương triều Quang Trung từ năm 1788, Kinh đô của vương triều Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1945, Phú Xuân – Huế đã giữ vai trò trung tâm hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa dân tộc trên ba thế kỷ liền.
Đó là độ dày thời gian để Huế hội tụ, lắng đọng các giá trị lịch sử văn hóa dân tộc trên quy mô cả nước và qua giao thoa, tiếp biến văn hóa với phương Đông, phương Tây, tạo nên một không gian văn hóa xứ Huế đặc sắc của đất nước. Trước khi trở thành một bộ phận của nước Đại Việt, vùng Huế thuộc địa bàn văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa. Trải qua lịch trình văn hóa Chăm, văn hóa Việt – Chăm rồi văn hóa Việt, nhiều di sản và giá trị văn hóa Chăm còn để lại dấu ấn và lưu tồn trong không gian văn hóa đa dạng của vùng văn hóa Huế.
Huế còn là vùng đất ghi dấu thời niên thiếu với những chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người học trò có chí lớn Nguyễn Sinh Cung – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thừa Thiên Huế là điểm xuất phát của nhiều phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng, cũng là một mắt xích quan trọng trong các trận quyết chiến chiến lược để giành độc lập cho dân tộc.
Nay Huế là Cố đô, tự hào là địa phương duy nhất ở Việt Nam trực tiếp quản lý 5 di sản được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016) và 2 di sản sở hữu chung với các địa phương khác là Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Trên vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã sớm được thành lập (cuối năm 1988). Từ đó đến nay (2022), qua 34 năm xây dựng và phát triển, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hàng chục cuộc hội thảo khoa học, thu hút một lực lượng khá lớn các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu lịch sử và văn hóa Huế, ra mắt hàng chục đầu sách có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc. Tác giả của hàng trăm bài viết về Huế không chỉ là những người sinh ra và lớn lên ở vùng đất sông Hương núi Ngự, mà còn rất nhiều những người yêu Huế khắp bốn phương, cả trong và ngoài nước.
Tuyển tập đã thu hút được sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa xứ Huế và một số chuyên gia quan tâm đến lịch sử và văn hóa Cố đô ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác. Đây là cuốn sách đã đăng tải những phát hiện mới về tư liệu, trao đổi những vấn đề liên quan đến lịch sử – văn hóa xứ Huế, gắn kết nhiều nội dung mang tính thời sự từ xưa đến nay.
NGUYỄN ANH TUẤN