Thầy giáo chủ nhiệm

Tôi từ lớp 1 đã sợ môn toán, nhiều lúc còn ước, giá các môn học đừng có toán. Nhưng cũng chỉ là ước mơ hão huyền ngu ngốc thôi, toán vẫn cứ là môn chính ở trường. Là học sinh, dù có sợ thì tôi cũng đâu có đường nào để chạy trốn, vậy là phải đối phó, ráng quay cóp để qua truông. Và tôi đã xem chuyện vô năm lớp 7, giáo viên chủ nhiệm của tôi phụ trách môn toán như một thử thách lớn của cuộc đời. Tôi vã mồ hôi vì sợ. Tuần gặp thầy bốn tiết, thêm những tiết ngoại khóa và đặc biệt sợ là tiết sinh hoạt lớp. Tôi hình dung rồi mình sẽ được thầy thường xuyên gọi tên nhắc nhở – lý do học yếu toán, cần chấn chỉnh tác phong học tập, môn học nào cũng cần sự chăm chỉ, kiên trì, phải nghiêm túc, tự lực trong giờ kiểm tra và v.v… Nghe anh chị trong trường nói thầy Tâm dạy dễ hiểu nhưng cực kỳ nghiêm khắc, đố có trò nào dám ho he trong tiết dạy của thầy. Ôi chao, mới nghe thôi đã thấy sợ. Nên sau này, tới tiết của thầy, tôi dù vẫn không lấy làm hứng thú với toán thì cũng nín thở ngồi nghe thầy giảng chứ không dám nghễnh ngãng như xưa.

Sẽ không bao giờ tôi quên được tiết học ngày hôm ấy. Là tiết luyện tập, mấy bạn nhao nhao xung phong lên bảng kiếm điểm mười. Lớp sôi nổi ghê, khỏe rồi, càng nhiều bạn giơ tay, tôi càng thấy nhẹ người, yên tâm chắc không đến phần đứa dốt toán như mình. Mới nghĩ xong thì tên bị gọi liền. Y như sét đánh, tôi giật thót, thiếu điều muốn nhảy nhổm khỏi ghế. Lên bảng, tôi chân bước bụng run. Thầy nhắc lại “bí kíp”: bình tĩnh, đọc kỹ dữ liệu, xác định yêu cầu đề, vận dụng tất cả những kiến thức đã học để tìm cách giải quyết. “Bí kíp” này tôi nghe thầy nói nhiều rồi, nhưng lần này mới chịu bình tĩnh vận dụng. May quá, tôi thở phào vì nó nằm trong khả năng. Nhận điểm 10 và lời khen: “Làm đúng, trình bày tốt! Hôm nay em khá lắm!”. Tôi mừng đỏ mặt dù đủ thông minh để hiểu, với bài toán dễ thì lời khen như thế là “hào phóng”. Nhưng tôi vẫn phấn khởi tưng bừng. Kể đến đây chắc bạn đã hình dung được sức mạnh của lời khen đó rồi chứ gì. Còn phải nói, nó y như một liều “doping” học tập.

Nhớ hôm đó, cùng lên bảng với tôi còn có Võ Thị Thủ. Nhỏ là tay toán cừ khôi, nhưng cũng lúng túng khi được “triệu” lên bảng. Không phải lúng túng vì sợ như tôi đâu, những bài toán trong sách giáo khoa không làm khó được Thủ nhưng đầu đuôi cũng từ thằng Sang. Nghe thầy gọi Võ Thị Thủ thì hắn nói to: “Con gái mà lúc nào cũng “thủ võ!”, thế là cả lớp cười ồ, làm Thủ đỏ mặt. Thầy nghiêm mặt nhìn xuống lớp và ôn tồn: Bạn của thầy ngày xưa phải bỏ học vì cái tên – Phạm Pháp – bị trêu chọc suốt. Thầy đã gặp ba mẹ bạn Thủ rồi, bác ấy nói tên bạn là Thư nhưng khi ghi vào giấy khai sinh, dấu móc ngay góc phải chữ u bị lệch vô trong một chút nên bị đọc thành “Thủ”. Nhưng ở nhà, ba mẹ vẫn gọi bạn là Thư nên các em cũng có thể gọi như vậy.

Tiết học đó, thầy đã giúp tôi khắc cốt ghi tâm bài học không nên trêu chọc người khác thái quá, và tôi cũng xóa đi cái định kiến về bộ môn chỉ dành cho người thông minh. Môn toán không nặng nề, căng thẳng với những học sinh trung bình trở xuống đâu, thầy có cách làm cho toán trở nên hiền lành, hấp dẫn hơn với những học sinh sợ môn này. Và tôi đã vui vẻ học toán “tùy theo sức của mình”. Hồi ấy tôi còn quá nhỏ để hiểu về phương pháp dạy học nên không biết thầy đã có cách gì để làm mềm kiến thức, để truyền cảm hứng cho học sinh, tôi chỉ nhớ học toán với thầy rất sinh động và vui vẻ. Chắc cái tâm thế vừa học vừa chơi đã huy động được sự tự giác và hứng thú của học sinh.

Người thầy trong câu chuyện tôi vừa kể là thầy Trần Thành Tâm. Không chỉ chủ nhiệm năm lớp 7 mà sang năm lớp 8, thầy lại là giáo viên dạy toán và chủ nhiệm lớp tôi nữa. Hai năm, mỗi tuần bốn tiết học và những giờ ngoại khóa, sinh hoạt lớp, học trò chúng tôi đã thân thiết với thầy như người nhà. À không, hơn thế nữa, chúng tôi xem thầy là người thầy, người cha đáng kính. Có chuyện gì cũng đợi đến tiết sinh hoạt lớp, thầy ơi, thầy ơi… chuyện gì cũng muốn thưa, cũng muốn nhờ thầy xử dùm… Và thầy Tâm, chuyện gì trò thưa thầy đều lắng nghe rất thiện chí và nhiệt tình tư vấn. Thấy thầy thân thiết, lớp làm tới, những ngày nghỉ hay dịp hiếu hỷ chúng tôi thường đòi đến nhà thầy chơi. Thầy cũng đồng ý. Và hôm tụ tập đó, chính thầy sẽ là đầu bếp chính cho các tiết mục đổ bánh xèo, nấu chè, làm bánh chuối… Được làm cùng, được ăn chung với thầy, vui ơi vui!

Hồi đó trường học còn xa lạ với cụm từ “trường học thân thiện”. Cái thời nhiều học sinh đi học còn rủ nhau lót miếng bố vào mông vì sợ ăn roi trong tiết sinh hoạt lớp thì lũ chúng tôi lại trông chờ tiết đó. Thầy Tâm nổi tiếng nghiêm khắc nhưng được học thầy rồi mới biết, thầy rất dễ gần. Thầy sẽ nghiêm trị nếu học sinh có biểu hiện vi phạm đạo đức nhưng thầy gần gũi với học sinh như một người bạn, người anh, người cha. Hồi đó, chúng tôi luôn trông chờ đến tiết sinh hoạt lớp vì không phải nghe những lời than thở, khiển trách hay nhắc nhở chuyện tiền nong mà vì thầy luôn tìm cách để khen học trò. Thầy tâm niệm, đừng quan trọng hóa mọi việc, cứ theo tiêu chí chuyện lớn hóa nhỏ thế là những xung đột, lủng củng trong nội bộ lớp đều được thầy giải quyết một cách vui vẻ, nhẹ nhàng và ổn thỏa. Thầy tâm lý lắm, từ chuyện vi phạm tác phong đến cãi vặt, đánh nhau, đem sâu, đỉa đến lớp hù bạn gái, rồi ăn cắp vặt… thầy đều xử trí thỏa đáng. Thầy không hung dữ, không sử dụng các hình phạt nên cả lớp chúng tôi nhất nhất quý mến thầy, và vì quá quý mến nên chỉ sợ thầy thất vọng về mình, vậy là cố gắng và cố gắng. Cũng nhờ thứ tình cảm đặc biệt đó mà lớp A chúng tôi hai năm đó luôn dẫn đầu trường về thành tích (mọi mặt). Và đặc biệt hơn là xong trung học cơ sở, có rất nhiều bạn vào trường chuyên của tỉnh, bây giờ là những công dân có lý tưởng, có cống hiến… Và điều xúc động nhất là ra trường từ rất lâu nhưng phần lớn học sinh trong lớp vẫn liên hệ mật thiết với thầy. Những dịp nhà thầy có chuyện hiếu hỷ, thầy đều nhắn chúng tôi – học trò cũ hai năm thầy chủ nhiệm về chơi.

***

Lớp chúng tôi giao hẹn lấy ngày 20/11 ở nhà thầy làm ngày họp lớp. Lần nào cũng vậy, về với thầy, chúng tôi không có quà cáp gì, không khí vẫn y như ngày xưa, ngày còn là những cô cậu học trò lam lũ, 20/11 đến nhà thầy thập thò ngoài cửa, thầy sẽ ra dẫn vào, bày xoong nồi, đúc bánh xèo.

Riêng tôi, vì những lý do tế nhị mà mấy năm gần đây không tham gia họp lớp. Hôm trước tình cờ gặp lại Thư, nhỏ nói:

– Thầy nhắc mầy miết! Chuyện của mầy thầy biết hết!

Tôi dù rất xúc động vẫn vờ nói:

– Hơn mười năm không họp lớp, tưởng thầy quên tui rồi chớ!

– Mầy quên thầy thì có!

Thư nói nhẹ nhàng, nhưng tôi nghe ra lời trách móc. Không đến thăm, đâu có nghĩa tôi quên thầy. Bằng chứng là khi đã trở thành một cô giáo, tôi đã dạy học theo cách của thầy, tôi luôn nỗ lực “làm mềm”, “thấm ướt” kiến thức, rồi bằng cách này hay cách khác, tôi luôn tìm cách giúp đỡ học sinh của mình. Và còn một điều tối quan trọng là khi đứng trên bục giảng, tôi muốn đóng vai một người bạn và luôn tìm “cớ” khen ngợi học trò. Vì hơn ai hết, tôi biết sức mạnh của lời khen khi nó được đặt đúng chỗ.

Xin mượn lời của Alexander the Great để gửi đến thầy như lời tri ân cao đẹp nhất: “Tôi mang ơn cha mẹ cho tôi sự sống, nhưng tri ân thầy đã dạy tôi sống đẹp”.

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

PHỐ CỔ BAO VINH-HUẾ

Có một góc Huế vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính, đó là phố cổ …