Thầm lặng hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kép

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân trên đường tuần tra, “bám” chốt bảo vệ biên giới và chống dịch COVID-19

Vượt mọi khó khăn

Từ năm 2020 đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến bên giới đất liền triển khai được 36 tổ, chốt trên biên giới với 279 cán bộ, chiến sĩ tham gia, là nội dung được báo cáo tại hội nghị “rút kinh nghiệm công tác bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch COVID-19”, vừa diễn ra cuối tháng 9/2022. Chủ trì hội nghị, Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy BĐBP tỉnh nói rằng, đó là những con số “nhìn thấy” được, nhưng nỗ lực, tâm huyết, mồ hôi… của cán bộ, chiến sĩ là không đong đếm.

Theo Thượng tá Hoàng Minh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh: Khi dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, lực lượng BĐBP tỉnh “đối mặt” với rất nhiều khó khăn. Khu vực biên giới địa hình hiểm trở, địa bàn rộng; một số bộ phận người dân ý thức tự giác còn hạn chế. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xây dựng kế hoạch tăng cường lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới đất liền. Trong đó, chỉ đạo 4 đồn biên phòng “đứng chân” trên huyện biên giới A Lưới triển khai thành lập 9 tổ chốt.

Thời gian đầu triển khai, các tổ chốt còn mang tính lâm thời, cơ bản công tác còn gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo tính cấp thiết, Bộ Chỉ huy đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương – do Thượng tá Hoàng Minh Hùng chỉ huy – đóng tại Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân, để kiểm tra công tác chốt; hướng dẫn kiểm tra công tác tuần tra, hướng dẫn xử lý khi có vi phạm. Mỗi ngày, tổ công tác từ Sở Chỉ huy tiền phương lặn lội đến các chốt xa xôi, kiểm tra theo kế hoạch hoặc lên đường bất cứ lúc nào, bất kể thời gian, không gian, lúc các chốt cần sự hỗ trợ, hướng dẫn xử lý người xuất, nhập cảnh trái phép. Đỉnh điểm, khi triển khai đến 19 chốt cố định ở 4 đồn trên biên giới Việt Nam – Lào.

Theo Thượng tá Hoàng Minh Hùng, những đồn biên phòng trên địa bàn, đặc biệt những cán bộ, chiến sĩ “bám” chốt, thực sự là những chiến sĩ nơi tuyến đầu, đã nỗ lực gấp nhiều lần, vượt qua muôn vàn khó khăn, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đường mòn, lối mở, các khu vực cửa khẩu, khu vực nhiều khả năng xảy ra các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Riêng cán bộ Sở chỉ huy tiền phương đã ở lại tiền tuyến trong 6 tháng liền ròng rã cho đến khi hoạt động của các chốt ổn định, “nhuần nhuyễn”.

Vì trọng trách, gác lại nỗi riêng

Thượng úy Nguyễn Đức Minh Hoàng, trợ lý quản lý biên giới, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh bồi hồi nhớ lại, khi chỉ còn cách ngày cưới một tuần lễ, anh nhận nhiệm vụ lên biên giới, là thành viên của tổ công tác Sở Chỉ huy tiền phương. “Ngày quan trọng của đời người, ngày thiêng liêng nhất, ngày vui nhất của một cặp đôi, của hai bên gia đình phải tạm hoãn, không chỉ cô dâu, chú rể mà cha mẹ, họ hàng hai bên đều buồn và có phần hẫng hụt. Đã có những giọt nước mắt. Nhưng nghĩ đến những đồng đội nơi tuyến đầu chống dịch, bảo vệ biên giới, có người cha mẹ bệnh nặng, cha mẹ qua đời, vẫn không thể về nhà, tôi động viên vợ, động viên gia đình. Vì nhiệm vụ, vì trọng trách ai cũng gác lại nỗi riêng tư” – Thượng úy Hoàng bộc bạch.

Thiếu tá Đoàn Thăng Long, nhân viên quân y Đồn BPCK A Đớt cũng đã từng “cất giữ” lại nỗi lòng thương nhớ người cha đang đau đớn trong giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư tại quê nhà xa xôi, để cùng đồng đội “chân cứng đá mềm” thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Cũng là một người lính, cha tôi hiểu và động viên con trai phải tập trung tinh thần, sức lực để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ, trách nhiệm, bảo vệ vững chắc biên giới, chung tay đẩy lùi dịch bệnh” – Thiếu tá Đoàn Thăng Long hồi tưởng.

Đã từng đến chốt bảo vệ biên giới, chống dịch COVID-19 Đồn BPCK Hồng Vân, trong một ngày buốt giá, từng theo chân cán bộ, chiến sĩ biên phòng đang bám chốt, tuần tra dọc dải đất biên giới xa xôi, mới hiểu những vất vả gian nan trĩu nặng trên đôi vai người lính.

Không chỉ đối với cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn A Lưới, 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ Bộ Chỉ huy, từ các đơn vị tuyến biển đã “ngược núi” tăng cường, hàng tháng liền ròng rã bám đơn vị, bám chốt, có lúc 6 tháng mới được về thăm nhà đã trở thành “chuyện thường ngày”. Họ đã vượt qua tất cả khó khăn, thách thức, để từ đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kép, bảo vệ vững chắc biên giới và chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Vì những thành tích đó, rất nhiều đơn vị và cá nhân thuộc lực lượng BĐBP tỉnh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. “Hiện nay, đã giải thể 9 tổ chốt cố định và 17 tổ lưu động. Nhưng lực lượng BĐBP tỉnh vẫn luôn sẵn sàng tập trung sức lực, trí tuệ, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới” – Thượng tá Hoàng Mạnh Hùng chia sẻ.

Thời gian qua, quá trình tuần tra BĐBP đã phát hiện 18 vụ/45 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép; xử phạt hành chính 15 đối tượng; tổ chức trao trả cho Đại đội Bảo vệ biên giới Lào 1 trường hợp công dân Lào; bàn giao cho Đồn BPCK La Lay, Quảng Trị 1 trường hợp công dân Lào và giao cho địa phương quản lý 28 trường hợp

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …