Dự hội nghị có Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng và đại diện lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan liên quan. Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tham dự cùng đại diện các sở ban ngành.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng đại diện các sở ban ngành tại đầu cầu Thừa Thiên Huế
Báo cáo đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả – Bộ VHTT&DL cho biết, phát triển công nghiệp văn hoá đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, đóng góp vào tăng trưởng của mỗi quốc gia. Công nghiệp văn hoá góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc gia trên trường quốc tế.
Theo số liệu, tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng hơn 8 nghìn tỷ USD, tương đương 3,61% GDP.
Ở lĩnh vực điện ảnh, năm 2019, tổng doanh thu đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 29% doanh thu với khoảng 1,15 nghìn tỷ đồng.
Với du lịch văn hoá năm 2019, tổng doanh thu đạt đạt 720 nghìn tỷ đồng. Năm 2021 là 180 nghìn tỷ đồng (doanh thu giảm do ảnh hưởng từ dịch COVID-19).
Tuy nhiên sang năm 2022, du lịch văn hoá đã có bước phục hồi ấn tượng khi ước đạt 495 nghìn tỷ đồng.
Đối với quảng cáo, năm 2020 doanh thu từ hoạt động quảng cáo của đài phát thanh – truyền hình đạt khoảng 7,2 nghìn tỷ đồng. Trước đó năm 2019, doanh thu quảng cáo trên truyền hình đạt 45 tỷ đồng, quảng cáo ngoài trời hơn 1,4 nghìn tỷ đồng, internet hơn 16 nghìn tỷ đồng và tổng doanh thu quảng cáo trên các phương trên các phương tiện là hơn 65 nghìn tỷ đồng…
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị liên quan trong phát triển các ngành công nghiệp văn hoá thời gian qua. Từ những “con số biết nói” được đưa ra tại hội nghị, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hoá. Công nghiệp văn hoá đóng góp không nhỏ cho lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý không được phép hài lòng với những gì đã đạt được mà phải tiếp tục nỗ lực cụ thể hoá đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá thành hành động cụ thể, đạt nhiều thành công vì lợi ích đất nước, nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân.
“Từ thực tế cho thấy, chúng ta vẫn còn những tồn tại trong phát triển lĩnh vực này. Các địa phương và ngay cả Bộ VHTT&DL cũng phải thẳng thắn nhìn nhận lại tồn đọng để đưa ra giải pháp. Một trong những vấn đề chúng ta cần nhìn nhận lại là vai trò của Nhà nước trong phát triển công nghiệp văn hoá. Nhà nước chỉ đứng ra định hướng, có tính chất vốn “mồi”. Còn lại, sản phẩm văn hoá được làm ra phải là do nhân dân, doanh nghiệp thực hiện. Đây là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới. Nếu làm ngược lại, chúng ta sẽ khó có những sản phẩm của công nghiệp văn hoá đúng với mong đợi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Một cảnh quay trong phim “Em và Trịnh” tại Huế. Ảnh: ĐPCC
Trong ngoại giao văn hoá, Bộ trưởng nêu rõ cần thay đổi tư duy, không thể giữ cách làm đưa cái “chúng ta có” mà phải đưa cái “công chúng cần” để quảng bá.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá đến năm 2045, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh phải hoàn thiện sớm, quyết tâm làm chương trình. Trong chương trình phải có đề án, dự án điểm nhấn liên quan đến công nghiệp văn hoá.
Đối với các bộ Luật, văn bản pháp luật, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị khẩn trương bắt tay vào nghiên cứu, có thêm cơ chế, chính sách hợp lý khuyến khích sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá cho kinh tế – xã hội; kêu gọi được đầu tư cho văn hoá để văn hoá là thật sự trở thành nguồn tài nguyên vô tận, phát huy mạnh mẽ sức mạnh trong công cuộc phát triển đất nước.
N. MINH