Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Ảnh: P. THÀNH
Ông đánh giá thế nào về công tác phát triển nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh?
Phát triển NNL, nhất là NNL chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của đất nước đã được tiếp tục khẳng định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đối với Thừa Thiên Huế, những năm qua, với sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, NNL – nhất là NNL chất lượng cao đã có bước phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Việc ban hành Nghị quyết số 17/NQ-TU ngày 13/5/2022 về phát triển NNL, nhất là NNL chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết để các sở, ban, ngành, địa phương triển khai vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách về phát triển NNL trong giai đoạn hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội Thừa Thiên Huế nhanh và bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Những lĩnh vực, ngành nghề nào được tỉnh tập trung để đầu tư phát triển NNL, nhất là nhân lực chất lượng cao?
Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND về phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn 2030, trong đó định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở 4 trụ cột là trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa – du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và vai trò chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nghị quyết 17 cũng đã xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có giải pháp nâng cao chất lượng NNL, nhất là NNL chất lượng cao cho các lĩnh vực, ngành kinh tế mũi nhọn cần tập trung, gồm: văn hóa du lịch, nghệ thuật, bảo tồn di sản, thể thao; y tế chất lượng cao theo chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu trung tâm y tế chuyên sâu; khoa học công nghệ; công nghệ thông tin; đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ giáo viên, giảng viên tại các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông; đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có tình trạng “chảy máu nhân lực”, trong đó có cả nhân lực chất lượng cao. Theo ông, tỉnh ta cần phải làm gì để vừa phát triển đồng thời thu hút, giữ chân NNL?
Để hạn chế tình trạng “chảy máu nhân lực”, tỉnh phải chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, phát triển NNL theo nhu cầu xã hội, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là NNL chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh mới.
Để thu hút, giữ chân được NNL, nhất là NNL chất lượng cao phục vụ cho các ngành kinh tế của tỉnh, hạn chế “chảy máu nhân lực” cần quan tâm đến các yếu tố, đó là: môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ và nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng.
Ông có thể nói rõ hơn về những yếu tố ông nêu?
Có nghĩa, mỗi một cơ quan, đơn vị cần xây dựng một môi trường làm việc thật tốt; quan hệ lao động thật tốt, tạo nên sự hiểu biết và chia sẻ; tôn trọng giá trị của mỗi người lao động làm việc trong đơn vị; tạo ra một động cơ làm việc tích cực, mang tính xây dựng cao. Điều này sẽ thu hút được sự quan tâm của mọi người trong đơn vị, tích cực làm việc gắn bó giữa cá nhân và tập thể.
Công nghệ thông tin, công nghệ số đang cần nguồn nhân lực lớn, trong đó có cả nhân lực chất lượng cao
Về chính sách thu hút, đãi ngộ, tỉnh đã trải qua một thời gian khá dài thực hiện chính sách thu hút nhân tài, đã đạt được một số thành quả nhất định, song vẫn còn bất cập. Để đảm bảo NNL chất lượng cao, tỉnh tiếp tục nghiên cứu chính sách giữ chân, thu hút, đãi ngộ cho lao động có chất lượng cao trên các lĩnh vực thông qua chính sách tiền lương, thưởng phù hợp với sự cống hiến của người lao động; có chính sách ưu tiên theo từng cấp độ khác nhau cho những trình độ và năng lực khác nhau và có chế độ ưu tiên đặc biệt cho những nhân tài đặc biệt, những chuyên gia đầu ngành để cuốn hút các nhân tài khác về Thừa Thiên Huế.
Chính sách về nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, khu nhà ở cao cấp phục vụ cho từng nhóm đối tượng có nhu cầu và chính sách về điều kiện nghiên cứu, làm việc cũng là điều kiện cần để giữ chân tốt lao động chất lượng cao, giúp người lao động phát huy hết năng lực của mình. Cùng với đó không thể bỏ qua yếu tố rất quan trọng là công tác quản lý, sử dụng nhân tài, lực lượng lao động có chất lượng cao.
Nâng chất lượng đào tạo tại các trường nghề để thu hút đầu vào và tạo NNL đáp ứng thị trường lao động là một trong các giải pháp quan trọng trong phát triển NNL, vậy ngành đã làm gì để đổi mới hệ thống các trường nghề, thưa ông?
Việc đầu tư phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh nói chung, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói riêng luôn được quan tâm nhằm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của miền Trung và cả nước.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 33 cơ sở tham gia hoạt động GDNN, trong đó có 7 trường cao đẳng chuyên hoạt động GDNN, 4 trường trung cấp, 12 trung tâm GDNN, trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên và 10 cơ sở có tham gia hoạt động GDNN.
Với mạng lưới đào tạo nghề nghiệp như hiện nay, để nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDNN đạt hiệu quả, là địa chỉ đào tạo và cung ứng nguồn lao động đáng tin cậy cho các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh, Sở LĐTB&XH đã và đang triển khai các nhiệm vụ và kế hoạch nhằm đổi mới hệ thống các trường nghề. Trong đó, có đề án Sắp xếp các cơ sở GDNN công lập tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn, cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu NNL có tay nghề cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Phát triển cơ sở vật chất, thiết bị của các nghề đào tạo thuộc các ngành, nghề trọng điểm, các nghề theo chương trình chuẩn quốc tế. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Các cơ sở GDNN đẩy mạnh mối quan hệ với các doanh nghiệp, làm tốt công tác phối hợp trong đào tạo thông qua các hoạt động hợp tác mời doanh nghiệp trong giảng dạy, đánh giá, nghiên cứu, đào tạo theo đơn đặt hàng, thực tập và tuyển dụng người học sau khi tốt nghiệp…
Ông dự báo thế nào về cung – cầu đối với nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao trên địa bàn trong thời gian tới?
Trên cơ sở các dự án đầu tư lớn trên địa bàn, các dự án dự kiến đi vào hoạt động trong các năm tới của các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, Sở LĐTB&XH cũng đã triển khai công tác dự báo, cân đối nhu cầu đào tạo nhân lực và hỗ trợ việc làm cho lao động sau đào tạo giữa các ngành, địa phương, cơ sở đào tạo và các tổ chức kinh tế. Qua đó, sẽ chuẩn bị đào tạo NNL đủ về số lượng và chất lượng để đón đầu khi các dự án lớn đưa vào hoạt động trong nay mai.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
HOÀI THƯƠNG (Thực hiện)