Đây là một trong những chuỗi hoạt động nổi bật nhân dịp kỷ niệm 92 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam. Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều đóng góp thiết thực để thực hiện mục tiêu năm 2025 xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Cùng với áo dài và ẩm thực, nón lá được xem là nét đẹp và là biểu tượng của văn hóa Huế.
Bà Trần Thị Kim Loan, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh cũng đã có những hoạt động thiết thực, góp phần gìn giữ và tôn vinh giá trị của áo dài và ẩm thực Huế?
Mới đây, chúng tôi đã tổ chức tuần hành “Áo dài với giao thông xanh” có sự tham gia của 200 hội viên, phụ nữ mặc áo dài, đạp xe diễu hành trên các tuyến đường chính, các điểm di tích lịch sử và văn hóa của thành phố Huế. Tiếp theo là chương trình trình diễn dân vũ “Xinh tươi Việt Nam” tại quảng trường Ngọ Môn, truyền tải thông điệp về niềm tự hào áo dài, tự hào di tích lịch sử – văn hóa Huế, đồng thời tôn vinh những giá trị văn hóa Huế.
Từ năm 2019, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội thành lập mô hình áo dài “Phụ nữ Thừa Thiên Huế – đồng hành cùng sắc tím”. Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức hội thảo “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam” nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam”. Đặc biệt, thời gian qua, Thừa Thiên Huế triển khai cuộc vận động phụ nữ mặc trang phục áo dài vào sáng thứ hai đầu tuần đến nơi làm việc, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Cuộc vận động đã tạo được hiệu ứng tích cực và nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của phụ nữ trong tỉnh.
Năm 2018, UBND tỉnh phê duyệt đề cương Đề án “Huế – Kinh đô ẩm thực” đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa ẩm thực Huế; nâng cao hình ảnh của ẩm thực Huế trong khu vực và trên thế giới, đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu “Huế – Kinh đô ẩm thực”. Hội LHPN tỉnh kết nối nữ chuyên gia ẩm thực ở Huế để mở hàng trăm lớp đào tạo ẩm thực truyền thống Huế, nữ công gia chánh, xây dựng mô hình, quảng bá hình ảnh ẩm thực Huế cho hàng vạn cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia; phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ lĩnh vực dịch vụ hình thành chuỗi địa chỉ đặc sản Huế an toàn, thân thiện phục vụ phát triển du lịch và đề án “Huế – Kinh đô ẩm thực”.
Bà có thể cho biết cụ thể hơn về việc bảo tồn và phát huy giá trị nón lá Huế?
Ngay từ năm 2007, Hội Nón lá Huế do Hội LHPN tỉnh và Sở Khoa học – Công nghệ thành lập đã ra mắt. Hội Nón lá Huế là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tập hợp những người trực tiếp khai thác, sản xuất, gia công, trao đổi, mua bán nón lá và những người yêu nón lá Huế tự nguyện. Các thành viên của hội đều hướng đến mục đích gìn giữ, tôn vinh và phát huy giá trị, hình ảnh của chiếc nón lá Huế với bạn bè trong và ngoài nước.
Thừa Thiên Huế có nhiều làng nón nổi tiếng và ra đời cách đây hàng trăm năm, như Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa… Những năm qua, nghề chằm nón và các làng nghề làm nón nổi tiếng ở Huế đã được khôi phục, tạo điều kiện duy trì và mở rộng. Đáng chú ý vào năm 2010, sản phẩm nón lá của Thừa Thiên Huế đã có văn bằng bảo hộ và trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý. Mới đây, vào tháng 8/2022, UBND tỉnh có quyết định công nhận nghề nón lá Vân Thê (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) là nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều đáng nói là, du lịch phát triển mạnh, nón lá trở thành mặt hàng lưu niệm mang nét văn hóa đặc sắc của Huế được du khách ưa chuộng. Rất nhiều du khách đã về tận các làng nón để được tận mắt chứng kiến và tham gia vào các công đoạn của nghề làm nón. Không ít người đã thực sự bất ngờ và thích thú khi được người thợ nón lưu ảnh, tên của mình trên chiếc nón bài thơ mang về làm kỷ niệm.
Tổ chức hội phụ nữ đã làm gì để thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế?
Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026 có chủ đề “Phụ nữ Thừa Thiên Huế đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, xây dựng tổ chức hội vững mạnh; giữ gìn bản sắc văn hóa Huế, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”. Đại hội nhất trí thông qua 10 mục tiêu cụ thể trong giai đoạn tới; trong đó, có mục tiêu hàng năm tất cả các cơ sở hội có ít nhất một loại hình hoạt động để vận động phụ nữ phát huy giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa Huế, con người Huế.
Cùng với áo dài, nón lá và ẩm thực Huế, trong vài năm trở lại đây, đã có khá nhiều phụ nữ thông qua cấp hội phụ nữ tham gia các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đạt kết quả đáng hoan nghênh. Đáng nói là, rất nhiều trong số đó chú trọng phát huy giá trị văn hóa truyền thống xứ Huế. Tiêu biểu, như “Thêu may Đoan Trang – Bảo tồn bản sắc Văn hóa Huế qua những chiếc áo dài”, “Sen Huế” phục hồi và phát triển các sản phẩm từ đặc sản sen Huế hay mô hình “Hue Lotus Homestay – Phát triển du lịch Sen Huế”.
Các hoạt động sôi nổi, thiết thực được các cấp hội phụ nữ và cơ sở tổ chức cũng đã tạo ra sân chơi, cơ hội để phụ nữ Huế ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa Huế, con người Huế. Họ vừa là chủ thể tham gia sáng tạo, vừa là lực lượng trực tiếp tham gia vào các hoạt động gìn giữ, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa ông cha truyền lại, bản sắc văn hóa truyền thống Huế, con người Huế thể hiện trên nhiều lĩnh vực và ở mọi mặt của đời sống xã hội.
HUẾ THU (Thực hiện)