Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu tham gia phát biểu ý kiến. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu bày tỏ sự đồng tình. Bà Sửu cho rằng, có thể chưa tương xứng với quy mô theo tinh thần Kết luận 67 của Bộ Chính trị nhưng sẽ là nền tảng cho việc xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa lịch sử, vị trí địa lý.
TP. Buôn Ma Thuột có hệ thống giao thông đường bộ và đường hàng không thuận lợi nối các vùng Tây nguyên như Pleiku, Kon Tum, Gia Nghĩa, Đà Lạt với các trung tâm kinh tế, cảng biển vùng Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và khu vực tam giác ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia.
Bà Sửu nhấn mạnh, các cơ chế chính sách thể hiện tính tương hỗ, làm tiền đề cho nhau để hình thành, hiện thực hóa cho cuộc sống. Ưu đãi về tài chính ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo quỹ đất, thu hút các dự án đầu tư cho thương mại dịch vụ, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các chương trình dự án tiềm năng như lĩnh vực sản xuất chế biến nông sản, cà phê, y tế giáo dục, văn hóa du lịch, công nghiệp để đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.
Đặc biệt với diện tích đất tự nhiên chiếm khoảng 32%, dân số chiếm hơn 22% so toàn tỉnh, TP. Buôn Ma Thuột có 40 dân tộc cùng sinh sống nhưng tập trung là dân tộc Ê Đê. 33 buôn có bề dày truyền thống văn hóa đậm chất Tây nguyên, đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, với không gian cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Bước vào thời đại dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, TP. Buôn Ma Thuột đã và đang định hình 3 buôn văn hóa. Vì thế, theo bà Sửu, việc tạo cơ chế, chính sách để phát triển TP. Buôn Mê Thuột là điều chính đáng và rất cần.
N. Minh