Tăng trưởng xanh

Một trong những thông tin thời sự được quan tâm gần đây là việc UBND tỉnh vừa phê duyệt kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu kế hoạch đề ra là rà soát, phê duyệt quy hoạch các phân khu rừng đặc dụng để quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học; xây dựng lộ trình nghiên cứu, đề xuất nâng cấp, đầu tư phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên hiện trạng. Tiếp tục bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên; các hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển, các khu vực đất ngập nước quan trọng. Nâng hạng, thành lập mới các khu bảo tồn của tỉnh theo hướng trở thành vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển… theo các tiêu chí quốc gia, quốc tế.

Được thiên nhiên ưu đãi, với Khu bảo tồn Sao La, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai, Khu rừng đặc dụng Bắc Hải Vân, Vườn Quốc gia Bạch Mã, hệ thống bờ biển trải dài…, tài nguyên cảnh quan thiên nhiên được xác định là tiềm năng lớn, đặc thù của Thừa Thiên Huế.

Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định, cùng với di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan là một trong những nền tảng quan trọng để xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhiều năm qua, việc khai thác tiềm năng xanh từ sinh thái, cảnh quan môi trường đã đặt ra đối với lĩnh vực du lịch. Theo đó, các mô hình, sản phẩm du lịch xanh từng bước hình thành, gắn với tiềm năng Bạch Mã, Vịnh đẹp thế giới Lăng Cô, Làng cổ Phước Tích; tiềm năng văn hóa, cảnh quan vùng cao Nam Đông – A Lưới, vùng đầm phá – ven biển Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc…

Đầu năm 2022, trong một chương trình đánh giá năng lực cạnh tranh về lĩnh vực du lịch cấp tỉnh do Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia công bố, Thừa Thiên Huế xếp vị trí thứ 5 trên tổng số 15 địa phương được đánh giá thí điểm.

Các trụ cột của du lịch Thừa Thiên Huế được đánh giá cao, bao gồm nhân lực, lao động du lịch, môi trường kinh doanh, mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin, tài nguyên văn hóa, mức độ ưu tiên cho du lịch… Tuy nhiên, một số trụ cột, trong đó có hạ tầng giao thông và tài nguyên thiên nhiên – vốn là tiềm năng lớn của Huế – lại chưa có tính cạnh tranh cao.

Tăng trưởng xanh được Thừa Thiên Huế xác định là mục tiêu ưu tiên phát triển. Theo đó, chỉ số “xanh” đang được định hướng, khuyến khích, hỗ trợ ở các lĩnh vực sản xuất. Không chỉ là nông nghiệp xanh, ngay cả lĩnh vực sản xuất vốn ít hàm lượng xanh như dệt may, cũng đang hướng đến các mô hình “xanh hóa”.

Với định hướng xây dựng, phát triển Huế trên nền tảng xanh, vai trò của ngành du lịch có ảnh hưởng không nhỏ, mà theo lãnh đạo ngành này, cần có mục tiêu phát triển cụ thể, gắn với những sản phẩm cụ thể như nhà hàng xanh, khách sạn xanh, khu nghỉ dưỡng xanh, tour khám phá xanh…

Hiệu quả của tăng trưởng xanh cũng đã được nhìn thấy. Chẳng hạn, sự kiện giải chạy maratong năm 2022 được tổ chức ở Huế thu hút gần 20.000 lượt khách, trong đó có 4.700 vận động viên đến từ 63 tỉnh, thành và cả người nước ngoài. Điều góp phần tạo nên thương hiệu cho giải chạy, chính là từ những đường đua tuyêt đẹp của cảnh quan, môi trường, di sản.

Hay gần đây, việc đưa vào thí điểm dịch vụ miễn phí xe đạp trải nghiệm gắn với hành trình khám phá, tham quan các chặng đường xanh, điểm đến xanh của Huế cũng được người dân và du khách đón nhận.

Rõ ràng, nếu được đầu tư đúng hướng, đúng tầm, tăng trưởng xanh sẽ là cực phát triển chủ đạo mang tính đặc thù, có sức cạnh tranh và bền vững cho Huế. Cùng với môi trường xanh là sản phẩm xanh, tư duy xanh, nếp sống xanh, tinh thần phục vụ xanh…

Kim Oanh

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …