Sau những ngày nghỉ Tết cổ truyền, bắt đầu từ hôm nay (27/1, tức ngày mùng 6 tháng Giêng), các cơ quan, công sở, doanh nghiệp đều quay trở lại làm việc bình thường; người dân cũng bắt đầu công việc thường nhật. Tuy nhiên, không khí tết, các hoạt động lễ hội vẫn sẽ còn tiếp tục, nếu cứ giữ thói quen “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” thì các kế hoạch, nhiệm vụ công việc đầu năm sẽ dồn lại, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch cả năm 2023- một năm được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong những tháng đầu năm 2022, đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, cùng với chiến sự Nga – Ukraine kéo dài, ảnh hưởng thời tiết bất thường…, Thừa Thiên Huế phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, sẵn sàng thích ứng trong tình hình mới; đồng thời triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Trung ương và thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi phát triển các ngành, lĩnh vực và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tập trung xây dựng dịch vụ đô thị thông minh, chính quyền điện tử và nâng cao chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT), đẩy mạnh triển khai chương trình Chuyển đổi số. Xây dựng và triển khai các phương án ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào, thiết bị phục vụ sản xuất, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,56%, vượt kế hoạch đề ra là 6,5-7,5%. Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển Thừa Thiên Huế… Những chuyển động tích cực đó là tiền đề, động lực để chúng ta thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2023.
Năm 2023 được tỉnh xác định là năm tăng tốc, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 – 2025; đặc biệt đẩy nhanh tiến trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Mục tiêu của tỉnh trong năm 2023 là đẩy mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế; tập trung kiểm soát tốt dịch COVID-19; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp tạo giá trị gia tăng, giá trị xuất khẩu lớn; nông nghiệp sạch, công nghệ cao; phát triển đô thị thông minh và bền vững. Huy động tối đa các nguồn lực, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới sáng tạo, xây dựng chính quyền điện tử. Hoàn thành các chương trình, đề án Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, năm 2023, rất nhiều chương trình, kế hoạch, dự án được triển khai, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từng sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp để tạo ra những động lực mới, nguồn lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Để tránh tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm chạy gằn”, trước tiên, các cơ quan, đơn vị cần sớm ổn định hoạt động, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tránh tình trạng bỏ công sở, gặp gỡ, thăm hỏi đầu năm, đi lễ chùa, tham gia các lễ hội đầu năm. Với người dân, cần tranh thủ thời tiết ấm dần trở lại ra đồng sản xuất, chăm sóc lúa đông xuân kịp thời… Các doanh nghiệp sớm khắc phục khó khăn do thiếu đơn hàng để ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội
Hoàng Minh