Tần Hoài Dạ Vũ – trái tim của những giấc mơ

“Tần Hoài Dạ Vũ – trái tim của những giấc mơ” là nói theo cách thi sĩ tự tổng kết cuộc đời mình, trong một bài thơ rất hay xin dẫn ra đây trong tập thơ “Hãy chia tôi ra cho cuộc đời này”: Qua năm tháng điên cuồng và vụng dại của đời anh, em có kịp nhận thấy cả một dòng sông, một lịch sử của tình yêu và của lòng người. Đó là nơi có những biến động và cõi bình yên, những chia ly và đoàn tụ, những nỗi đau thương và sự hàn gắn, những tan vỡ và sự hồi sinh, những khổ đau tột cùng và nỗi sung sướng vô bờ, những nụ cười và nước mắt, những cuộc ra đi và những chuyến trở về… Anh yêu em, trái tim của mọi giấc mơ, như yêu chính cuộc đời anh.

(Trái tim của mọi giấc mơ)

Ảnh bìa tập thơ

Tần Hoài Dạ Vũ là một tên tuổi nổi tiếng. Ông tham gia “Nhóm Việt” và hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh đô thị của học sinh – sinh viên Huế, thơ ông đăng nhiều trên các tạp chí đấu tranh thời bấy giờ. Ấy vậy nhưng phải đến năm 1992, ông mới xuất bản “Thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ”. Các năm sau đó, ông lần lượt ra mắt “Ngọn lửa hiu quạnh” (1996), “Tình yêu và vầng trăng lửa” (1997), “Suy niệm hoàng hôn” (2005), “Tình ca trong mưa” (2011)… Và bây giờ, khi đã 77 tuổi (1946-2022), ông xuất bản “Hãy chia tôi ra cho cuộc đời này”, với 200 trang dày dặn.

Thơ tình của Tần Hoài Dạ Vũ nổi tiếng bởi là thi ca của “kẻ vác thánh giá đi khắp nơi rao giảng tình yêu” (Lê Nhược Thủy); thơ ông “ở góc nhìn thăm thẳm: đẹp và buồn” (Phạm Phú Phong)… Tần Hoài Dạ Vũ với hàng trăm bài thơ tình đã tạo nên một sinh quyển tình yêu nồng nàn và cháy bỏng, chân thành và trong sáng, tận tụy hiến dâng và chấp nhận thương đau…

Lẽ thường, khi một người đã đi qua bao thăng trầm cuộc đời, cái trầm lắng bởi thời gian dự phần cuộc thế sẽ thay thế cho cái nồng nàn sôi nổi của tuổi hai mươi. Nhưng ở thi sĩ Tần Hoài Dạ Vũ, cái sôi nổi của tình yêu lại như dòng nham thạch chất chứa sâu trong lồng ngực luôn trào dâng mạnh mẽ, trong trẻo, hồn nhiên, bất chấp thời gian và tuổi tác…

Trong tập “Hãy chia tôi ra cho cuộc đời này”, có thể ngẫu nhiên hay là không, nhưng rất nhiều bài thơ ông đã định nghĩa “em” – người yêu, người được thi sĩ yêu – với một tinh thần ngưỡng vọng thiêng liêng. Lần giở tập thơ, chúng ta bắt gặp định nghĩa “em” dày đặc các câu thơ, như những vì tinh tú sáng rỡ trong đêm trời quang đãng: Em “là bầu trời bao la, là hoa lòng mở hết nắng, là trăng treo trên cánh võng an lành, là khu vườn xanh trong thương nhớ, là bầu trời xanh trong, là trăng trong hồn anh, là bông hồng vẫn luôn ngát hương và thắm đỏ trong trái tim anh”…

Chỉ định nghĩa “em”, Tần Hoài Dạ Vũ đã độc sáng tác thơ tình theo cách của riêng ông.

Ông đắm đuối trong sinh quyển tình yêu ẩn mật, và đương nhiên, rồi sẽ gặp những nỗi buồn tan vỡ.

Và đây là của Tần Hoài Dạ Vũ:

“Em bẻ những cộng buồn bỏ vào chén lòng tôi/Tôi không nuốt trôi được miếng cơm đời cay đắng/Có ai chịu đổi cho tôi từng đêm trắng/Để tôi được cầm trên tay nụ cười buồn của sự lãng quên” (Bếp đời có ấm); Hoặc “Anh đã gõ vào nỗi buồn mà hát/Bài ca không lời của những đêm sâu” (Hương mật quê nhà)

*

Tự tình với quê hương, đất nước là tiếng vọng khác của tập thơ này. Cuộc đời ông vốn dấn thân vì quê hương, xứ sở, vậy nên mọi chuyển động đều dội vào thơ ông.

Ông đau đớn khi đất nước quằn quại trước sự hoành hành của dịch COVID-19, nhưng cũng hy vọng vào ngày mai:

“Thành phố nắng gió đang trong nỗi đau dịch bệnh/đang oằn mình dang tay đón nhận tình nghĩa đồng bào/… Những gói mì tôm/Những bó rau/Những quả trứng/Những con cá biển miền Trung/Những bàn tay trong trái tim những trái tim trong bàn tay”.

Và khi thế sự quá nhiều nỗi sự tình, thi sĩ trở về quê nhà, truy hồi ký ức, lặng soi mình, chiêm nghiệm giữa quê hương. Và nhận ra: Và tôi đã sống với điều đáng sống/từ những người quanh năm áo rách/Đến với một tấm lòng trong sáng và ra đi với hai bàn tay sạch/ đó là bài ca chân thành tôi đã học được từ bờ ruộng quê nhà.

(Bài học từ bờ ruộng quê nhà)

*

Và đó cũng là nhận chân của trách nhiệm nghệ sĩ, như thi sĩ kêu gọi “Hãy chia tôi ra cho cuộc đời này”. Còn bây giờ:

“Ở một trại trẻ mồ côi tôi làm người nấu bếp/Ở một trường tiểu học chốn quê nhà tôi làm người đánh trống siêng năng/Một viện dưỡng lão nghèo cần tôi làm người đẩy xe lăn/Một em bé mẹ cha vừa chết trong đại dịch COVID-19 cần tôi dắt tay đến trường mỗi sáng/Khu vườn bỏ hoang của cha tôi cần tôi về dọn cỏ chăm nom

Phải chi tôi có thể chia tôi ra làm nhiều cái tôi nhiệt tình cần mẫn/Vì cuộc đời đáng sống biết bao (Hãy chia tôi ra cho cuộc đời này)

Chỉ một ý nguyện “chia tôi ra cho cuộc đời”, đã khiến chúng ta nghiêng mình trước thi sĩ. Đó cũng là cảm xúc dâng tràn của chúng tôi khi giới thiệu tập thơ này cùng bạn đọc.

Bài, ảnh: HẠ NGUYÊN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …