Tái sinh hình hài của Huế xưa

Trùng tu nguyên trạng điện Kiến Trung

Trả lại dáng xưa cho Huế

Trải qua những biến động của lịch sử, quần thể kiến trúc nguy nga đó đã bị hủy hoại, mất mát và hư hao đáng kể. Song, khi chiến tranh ngày càng lùi xa, người Huế nói riêng, người Việt nói chung, ngày càng có ý thức gìn giữ, bảo tồn những di sản văn hóa do triều Nguyễn để lại, Quần thể kiến trúc Cố đô Huế từng bước được lấy lại phần nào dung mạo xưa.

Hành trình tái thiết di tích Huế, làm sống lại dáng vẻ huy hoàng, lộng lẫy của Kinh đô xưa là một hành trình dài, khởi đầu từ những công tác bảo vệ, sửa chữa nhỏ lẻ nhằm “cứu nguy khẩn cấp” cho các di tích, đã phát triển thành những chương trình mục tiêu của quốc gia, những chương trình hợp tác quốc tế quy mô trong hoạt động trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị của Quần thể di tích triều Nguyễn nói riêng, di sản văn hóa Huế nói chung.

Đến năm 2022, tròn 220 năm Kinh đô Huế được kiến lập, nhiều công trình tiêu biểu của Quần thể kiến trúc triều Nguyễn ở Huế được “phục hồi nguyên trạng”: Ngọ Môn, Thế Miếu, Duyệt Thị Đường, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh (Đại Nội); điện Minh Thành, điện Gia Thành (lăng Gia Long); Minh Lâu, điện Sùng Ân (lăng Minh Mạng); điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường (lăng Tự Đức); lăng Đồng Khánh; lăng Dục Đức… Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường, điện chiếu sáng tại các di tích đã chỉnh trang sạch đẹp, gọn gàng. Đó là những thành tựu đáng tự hào trong hành trình “trả lại dáng xưa cho Huế”.

Huy động “nguồn lực xã hội” trong trùng tu và bảo tồn

Trong hành trình tái thiết diện mạo của Huế xưa, từ chỗ chỉ sử dụng nguồn lực nội tại, những người “giữ bóng thời gian cho Huế” đã huy động nguồn lực xã hội thông qua các chương trình hợp tác trong và ngoài nước. Nhờ đó, đã nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Trung ương, các chính phủ nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ quốc tế… Đặc biệt, trong thời gian gần đây, có nhiều tổ chức, cá nhân trong nước đã tự nguyện tham gia vào quá trình trùng tu di tích, bảo tồn các di sản văn hóa triều Nguyễn một cách thiết thực và hữu ích.

Chẳng hạn, nhóm Tản Mạn Kiến Trúc, gồm các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu lịch sử – văn hóa trẻ tuổi từ TP. Hồ Chí Minh, đã đóng góp nhiều hình ảnh tư liệu đặc sắc và giá trị, rất hữu dụng cho việc nghiên cứu và bảo tồn các công trình kiến trúc xưa, nhất là các kiến trúc thời Nguyễn và thời Pháp thuộc ở Huế. Những ý kiến phản biện của nhóm Tản Mạn Kiến Trúc đã chỉ ra những điểm sai lệch trong quá trình trùng tu điện Kiến Trung so với sử liệu và hình ảnh nguyên trạng, đã được chủ đầu tư và đơn vị trùng tu công trình này tiếp nhận và điều chỉnh sát hợp với nguyên trạng điện Kiến Trung.

Hay, nhiếp ảnh gia Nguyễn Tấn Anh Phong ở Huế, đã ứng dụng chuyển đổi số để tái hiện những chi tiết nhỏ nhất trên những bức ảnh chụp di tích và phong cảnh xứ Huế từ hơn trăm năm trước. Nhờ đó, đã giúp ích rất nhiều cho việc nhận diện các chi tiết kiến trúc, hoa văn trang trí, bố cục không gian… nhiều công trình kiến trúc thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, góp phần vào việc lên phương án và lựa chọn giải pháp trùng tu các di tích này.

Cần một tầm nhìn xa hơn

Chiến tranh, thời gian và sự vô tâm của con người trong quá khứ đã khiến cho di sản văn hóa Huế, đặc biệt là những di tích kiến trúc, không chỉ bị hư hại, biến dạng và mất mát trên thực địa, mà những “chứng tích phi vật thể” của những di tích, cảnh quan này cũng thất tán. Có quá nhiều những tư liệu thành văn, hình vẽ, ảnh chụp, âm thanh, phim tài liệu… về sự ra đời, tồn tại và thay đổi của quần thể Kinh đô Huế, do các sử gia, họa viên, kiến trúc sư thời Nguyễn ghi chép và miêu tả; do các nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh gia, nhà quay phim… người Việt và người nước ngoài ghi lại, từng được lưu trữ trong các thư viện, văn khố… của triều Nguyễn và của chế độ cũ, đã “rời” Huế vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tuy nhiên, trên hành trình tìm kiếm tư liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam trong những năm qua, tôi đã nhiều lần “chạm mặt” những tư liệu quý về di tích, di sản văn hóa Huế, gồm cả chữ viết, hình vẽ, ảnh chụp, tư liệu audio-visual…, đang được gìn giữ bảo quản rất tốt ở trong và ngoài nước. Để quá trình trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di tích kiến trúc Huế nói riêng, di sản văn hóa Huế nói chung, thiết nghĩ, chính quyền và các cơ quan hữu quan ở Thừa Thiên Huế phải tìm kiếm, thu thập và tìm cách đưa các “chứng tích phi vật thể” này (bản gốc hoặc bản sao) về Huế.

Muốn vậy, cần cử những người giỏi Hán văn, Nhật văn, Pháp văn, Anh văn; có kiến thức về sử học, văn bản học; hiểu biết về kiến trúc thời Nguyễn… đi đến các thư viện, kho lưu trữ tại Tokyo, Osaka (Nhật Bản), Paris, Aix-en-Provence, Rennes (Pháp), các thư viện đại học: Harvard, Yale, Cornell, Thư viện Quốc hội (Hoa Kỳ)… để sưu tầm, nghiên cứu, sao chụp, số hóa… các tư liệu liên quan đến Huế; thiết lập những mối liên hệ với những nhà sưu tầm sách vở, tranh ảnh; những quản thủ thư viện, tủ sách tư nhân ở trong và ngoài nước, để nhờ họ hỗ trợ công tác tìm kiếm, sao chép các tư liệu về Huế đang được lưu trữ ở những nơi này và “hồi hương” về Huế. Sau đó, cần tuyển dụng một đội ngũ chuyên gia am tường về các lĩnh vực liên quan để xử lý, phân tích nguồn tư liệu này.

Thừa Thiên Huế cần có một tầm nhìn xa và một chiến lược đúng trong việc tập hợp và sử dụng những “tinh hoa” nhằm khai thác các kho tàng tri thức về di sản văn hóa Huế và kiến trúc triều Nguyễn đang hiện diện ở trong và ngoài nước. Đồng thời, hợp lực với những người thợ lành nghề trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích ở Huế, cùng nhau góp sức “trả lại” cho Huế diện mạo của Kinh đô xưa, xứng danh là Di sản văn hóa của nhân loại mà UNESCO đã tôn vinh.

Bài: Trân Huyền

Ảnh: Minh Kiệt

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

PHỐ CỔ BAO VINH-HUẾ

Có một góc Huế vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính, đó là phố cổ …