Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: baoquocte.vn
1. Tự do ngôn luận (TDNL) là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR) năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966. Trong đó nêu rõ: “Mọi người đều có quyền TDNL và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp”. Công ước ICCPR quy định: “Mọi người có quyền TDNL. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức”, “Việc thực hiện quyền TDNL có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật”.
Theo quy định của pháp luật quốc tế, quyền TDNL không phải là tuyệt đối. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hình thức TDNL có sự biến đổi lớn, mạng xã hội (MXH) trở thành công cụ để cá nhân, tổ chức bày tỏ quan điểm, tư tưởng. Từ đó, tình trạng các tổ chức hội, nhóm không chính thống (phi chính phủ) ra đời và xuất hiện nhiều trên không gian mạng đã gây tác động xấu đối với an ninh, trật tự xã hội và cộng đồng xã hội. Họ đã bày tỏ ý kiến, quan điểm, đăng tải hay lan truyền thông tin theo chủ quan hoặc quan điểm riêng. Điều này đem đến nguy cơ khi quyền này bị lạm dụng, nhất là khi những người đăng tải thông tin có quan điểm khác biệt, nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, dẫn đến bị lợi dụng, lôi kéo, kích động hoặc vì động cơ cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Các quốc gia đều có quy định xử lý hành vi lợi dụng TDNL, đề cao TDNL phải vì lợi ích chung, không tuyệt đối hóa, không thể lợi dụng TDNL để viết, nói, xuyên tạc với ý đồ xấu, bất chấp luật pháp.
2. Sự lợi dụng các quyền TDNL đang tiềm ẩn những nguy cơ khó lường cho cộng đồng xã hội.
Tính đến tháng 1/2022, Việt Nam có 76,95 triệu người dùng MXH (78,1% dân số), số dùng MXH đã tăng thêm 5 triệu người trong 2 năm gần đây. Với độ phủ sóng rộng, tương tác trên các nền tảng xã hội, tác động không nhỏ đến an ninh trật tự và đạo đức xã hội. Quyền TDNL cũng cần phải tuân thủ chấp hành hiến pháp, pháp luật, không thể đứng trên pháp luật.
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền TDNL. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền TDNL, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Pháp lý về quyền TDNL cơ bản đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế.
Nhận thức rõ tầm quan trọng, lợi ích cũng như những mặt trái của internet và MXH, Nhà nước ta đã có những quy định về lợi dụng TDNL để chống phá chính quyền, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018 đều quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm. Những nội dung đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, xuyên tạc lịch sử, xúc phạm dân tộc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… đều là vi phạm pháp luật.
Ở Việt Nam, chỉ có những người làm báo chí đã được quy định trong Luật Báo chí, các quy định có liên quan và chịu sự quản lý của Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam. Không có khái niệm “nhà báo độc lập” hay “bloger tự do”. Nếu cứ gọi đó là nhà báo sẽ có hàng chục ngàn người được gọi là “nhà báo” mạo nhận trên MXH. Trong số đó, nhiều người làm báo vì kinh tế, vì mục đích cá nhân và không ít kẻ lợi dụng, được tiếp tay cổ vũ từ bên ngoài để viết bài, sản xuất hình thức như các dạng báo để chống Đảng, Nhà nước.
Đã có không ít những kẻ lợi dụng lan truyền những hành động đi ngược lại đạo đức xã hội, truyền thống của dân tộc, chống phá Nhà nước, vi phạm pháp luật, điển hình gần đây như: Trương Châu Hữu Danh, Dũng Vô Va, Nguyễn Phương Hằng, Lê Anh Dũng, Lê Chí Thành, Phạm Thị Đoan Trang…
Những trường hợp trên đã bị truy cứu theo Điều 331, Bộ luật Hình sự về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, lợi dụng quyền TDNL. Một số cá nhân lợi dụng danh nghĩa “dân chủ”, “phản biện xã hội” vì mục đích chống phá cũng đang hàng ngày làm ra những “sản phẩm” mà chúng gọi là báo chí chỉ là cái trò ngụy biện cho hành vi vi phạm.
Có những kẻ trốn hoặc bị trục xuất đang hàng ngày tung lên những clip từ các máy chủ ở nước ngoài chĩa vào trong nước để tuyên truyền sai sự thật, kích động chống phá. Những kẻ đó không thể gọi là nhà báo, lại càng không xứng đáng với những nhà báo chân chính, đúng nghĩa. Nếu gọi những kẻ đó bằng “nhà báo độc lập” là hết sức hồ đồ, vô lối mà phải định danh thật đúng là những kẻ “phạm tội độc lập” theo đúng nghĩa. Cổ vũ kiểu đó chỉ là kích động vi phạm pháp luật.
NGUYỄN AN HÒA