Sử dụng thẻ CCCD gắn chíp mang lại nhiều tiện ích cho người dân và các cơ sở khám, chữa bệnh
Người dân hài lòng
Trước đây, mỗi lần trong nhà có người đau ốm, bà Trần Thị Mỹ, trú tại phường Trường An, TP. Huế phải lo chuẩn bị giấy CMND, thẻ BHYT trước khi tới bệnh viện. Đôi lúc, mang không đủ giấy tờ phải quay về nhà lấy hoặc chờ người thân đem đến cơ sở y tế mới đăng ký KCB được. Sau khi chuyển sang sử dụng CCCD gắn chip, mọi thủ tục đơn giản và thực hiện nhanh chóng, chưa đầy 2 phút là đã hoàn tất khâu đăng ký KCB nên rất thuận tiện.
Bà Mỹ cho biết, khi tham gia BHYT hộ gia đình ở phường thấy cán bộ yêu cầu cung cấp hình ảnh CCCD, tôi có hỏi thì họ bảo phục vụ công tác chuyển đổi số. Lúc đó thực sự cũng không hiểu rõ, nhưng đến khi đi khám bệnh mới thấy được hết sự tiện ích, giờ thì không phải mất công in lại thẻ BHYT khi bị mất hoặc hỏng.
Không chỉ thuận tiện cho người dân, việc sử dụng CCCD để KCB BHYT đã mang lại nhiều tiện ích cho các cơ sở y tế vì tiết kiệm được nhiều thời gian từ ghi chép thông tin, hoàn thiện hồ sơ bệnh án đến việc quyết toán với cơ quan BHYT và đảm bảo thông tin nhanh chóng, chính xác.
Theo ông Trần Anh Hùng, Trưởng phòng CNTT, Bệnh viện Trường đại học Y – Dược Huế, thẻ CCCD được làm bằng nhựa cứng gắn chíp nên thẻ được bảo quản rất tốt (không nhăn, thông tin đầy đủ); mã QR trên thẻ CCCD gắn chíp đã có đầy đủ thông tin hành chính của người bệnh đến khám, nên giảm thiểu thời gian nhập dữ liệu cho nhân viên đón tiếp và hạn chế sai sót. Một người bệnh chỉ có 1 CCCD gắn chíp nên việc xác định định danh cá nhân giúp ích việc theo dõi hồ sơ khám bệnh.
Hơn nữa, chỉ cần bệnh nhân đến khám có thẻ CCCD gắn chíp thì sẽ sử dụng máy QR đọc và tự động gắn thông tin về mã thẻ BHYT, mức hưởng, giá trị thẻ vào luôn mà không cần qua bước trung gian nào cả. Tiện ích nữa là nếu dùng thẻ CCCD gắn chíp đi khám bệnh thì không phải kiểm tra giấy tờ tùy thân.
Nỗ lực của cơ quan BHXH
Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, ông Nguyễn Xuân Tiếu, tiện ích này có được từ việc BHXH tỉnh phối hợp với Công an và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; trong đó, có việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với CSDL quốc gia về bảo hiểm, triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT. Theo đó, BHXH tỉnh quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2022 đạt từ 90% đến 95% người tham gia BHYT có thông tin số CCCD/định danh công dân (ĐDCD) trên dữ liệu phần mềm TST. Ngoài ra, cơ quan BHXH cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giải đáp cho người tham gia và hưởng BHXH, BHYT về tầm quan trọng, ý nghĩa, lợi ích về các thông tin của mình, đặc biệt là thông tin thẻ BHYT được tích hợp vào CCCD.
Thời gian tới, BHXH tỉnh đề nghị các tổ chức dịch vụ thu; các đơn vị sử dụng lao động; UBND các xã, phường, thị trấn và các phòng giáo dục và đào tạo… đề nghị phối hợp cung cấp số CCCD/ĐDCN của các nhóm người tham gia BHXH, BHYT thuộc quản lý của đơn vị, để cơ quan BHXH cập nhật vào phần mềm quản lý thu, sổ thẻ, đồng thời tích cực phối hợp với Công an tỉnh chia sẻ thông tin, thực hiện xác thực thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư qua số CMND, cùng đối chiếu, đồng bộ số CCCD từ CSDL quốc gia về dân cư sang CSDL quốc gia về BHXH, thực hiện ngay việc tích hợp thông tin thẻ BHYT vào CCCD.
Bài, ảnh: MINH THƯ