Kiểm tra đồng ruộng, tích cực phòng, trừ sâu bệnh cho cây lúa đông xuân
Vụ đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy hơn 28 nghìn ha. Tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt trên 93%. Thời điểm hiện tại, toàn bộ diện tích gieo trồng trên đang trong thời kỳ đẻ nhánh.
Theo báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn hiện nay, một số loại sâu bệnh xuất hiện trên cây lúa như ốc bưu vàng (diện tích nhiễm khoảng 300ha), chuột (khoảng 50ha) và các đối tượng sinh vật như dòi đục nõn, bệnh đạo ôn… gây hại rải rác tập trung ở một số địa phương như Vinh Xuân, Phú Diên (Phú Vang); Hương Phong (TP. Huế).
Trong giai đoạn này, công tác phòng trừ, quản lý sâu bệnh và chăm sóc, bón thúc cho cây lúa trên đồng rất quan trọng, quyết định đến năng suất, sản lượng về sau.
Ông Lê Văn Tý (Phú Dương, Phú Vang) cho biết, chăm sóc cây lúa đầu vụ và giai đoạn đẻ nhánh cần chú ý đến ảnh hưởng sinh trưởng của cây qua các đợt rét và chuột hoành hành. Đối với diện tích lúa bị chết do rét, bị “xói” do chuột cắn phá thì tỉa dặm lại từ đầu cho kịp lịch thời vụ. Sau rét, tranh thủ thời gian nắng ấm, tùy theo mức độ ảnh hưởng mà bón phân bổ sung để thúc cây lúa với tỷ lệ 2-5 kg NPK/ sào.
Các địa phương hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cây lúa
Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX NN Đông Phú (Quảng An, Quảng Điền) cho hay, vụ đông xuân này, HTX đưa vào sản xuất 240ha lúa với cơ cấu giống 4B và J02. Trên hai nhóm giống này, giống 4B ít sâu bệnh gây hại, tuy nhiên giống J02 do thời gian qua ảnh hưởng rét, trời mưa, có sương mù nên đã xuất hiện bệnh đạo ôn trên lá với tỷ lệ khoảng 5%, hiện tại HTX đang chỉ đạo nông dân phun trừ. Sau khi phun sẽ cho thăm đồng, kiểm tra để có giải pháp chủ động quản lý sâu bệnh phù hợp. Thời điểm cuối vụ, sẽ tập trung theo dõi bệnh đạo ôn cổ bông để phun trừ kịp thời.
HTX đang hướng dẫn các đội sản xuất vào nước chân ruộng để kết thúc bón thúc phân cho giai đoạn 3 đối với giống 4B với tỷ lệ phù hợp. Khâu bón đồng, điều tiết nước trong chân ruộng và phun trừ sâu bệnh đều được HTX hướng dẫn, giám sát và thông báo trên đài truyền thanh.
“Đối với giống 4B và J02 sản xuất nhiều năm tại HTX nên xã viên có nhiều kinh nghiệm. Sau khi kết thúc bón thúc giai đoạn 3, sẽ tiến hành tháo nước khô chân ruộng, nứt chân chim giúp cây lúa ít đổ ngã sau này và hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu, sau đó mới đưa nước trở lại ruộng”, ông Thứ cho biết.
Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin, trong giai đoạn hiện nay, đơn vị phối hợp trung tâm khuyến nông, chính quyền địa phương tăng cường phân công cán bộ về cơ sở để hướng dẫn tốt nông dân thực hiện tốt trồng, chăm bón các loại cây trồng đúng quy trình kỹ thuật. Đối với cây lúa, cần kiểm tra đồng ruộng thường xuyên phát hiện và hướng dẫn nông dân phòng trừ các loại sâu bệnh kịp thời. Trong đó chú ý quan tâm phòng trừ bệnh đạo ôn lá trên các giống nhiễm như Nếp, Xi23, BT7, NN4B…
Công tác kiểm tra, đánh giá đồng ruộng của các đơn vị trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng nhằm kịp thời có biện pháp phòng chống rét cho cây lúa. Theo đó, trong trường hợp trời rét, duy trì mực nước 2-3cm trên mặt ruộng để giữ ấm cho cây lúa, không để lúa chết do rét, ngập úng.
Đối với giải pháp kỹ thuật hiện nay, nông dân cần nắm rõ tuyệt đối không bón thúc đạm cho lúa khi nhiệt độ trung bình ngày đêm dưới 15 độ C, bón bổ sung phân chuồng ủ mục, phun bổ sung phân lân, kali qua lá… để tăng khả năng chống rét, giúp cây lúa sinh trưởng. Khi thời tiết ấm dần cần tranh thủ tỉa dặm và bón thúc bằng các loại phân hỗn hợp, phức hợp NPK chuyên dùng để lúa kết thúc đẻ nhánh và phân hóa đồng đúng giai đoạn sinh trưởng.
Sở NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình quản lý các sinh vật gây hại tổng hợp (IPM), mô hình 3 giảm 3 tăng, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý gốc rạ sau thu hoạch và phòng trừ sinh vật gây hại… nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Sở NN&PTNT yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, quản lý vật tư nông nghiệp từ các khâu giống cây trồng, phân bón thuốc bảo vệ thực vật; phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, các vật tư không rõ nguồn gốc… nhằm đảm bảo quyền lợi, nâng cao hiệu quả và an toàn trong việc sử dụng vật tư nông nghiệp.
Bài, ảnh: Hà Nguyên