Kịp thời nắm bắt tình hình
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phong Điền, ông Đoàn Kỳ Côi cho biết: Đảng bộ huyện Phong Điền hiện có 47 tổ chức cơ sở Đảng, với 275 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Những năm qua, cùng với việc phân công các ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, các Huyện ủy viên phụ trách địa bàn và các các ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, Huyện ủy Phong Điền đã chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn phân công cấp ủy phụ trách các chi bộ trực thuộc về dự và sinh hoạt định kỳ, kịp thời nắm bắt tình hình, giúp đỡ cơ sở tháo gỡ khó khăn tại địa phương, nhằm giúp cho cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí quan trọng của tổ chức cơ sở Đảng, của chi bộ và nhiệm vụ đảng viên.
Với nhận thức sâu sắc tổ chức cơ sở Đảng là tế bào nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở, những năm qua, Huyện ủy Phong Điền tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Kết luận số 18-KL/TW của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” trong tình hình mới, Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 6/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”.
Theo đó, Huyện ủy Phong Điền chỉ đạo các chi bộ thôn, bản, tổ dân phố sinh hoạt định kỳ vào ngày 25 hàng tháng; các chi bộ cơ sở khác thì bố trí ít nhất 1 buổi trong tháng để thực hiện sinh hoạt định kỳ. Trong sinh hoạt, đảm bảo tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt chi bộ đạt trên 85% và không có đảng viên vắng mặt không có lý do, hoặc đảng viên vắng mặt có lý do quá 3 lần liên tiếp trong năm (trừ trường hợp đặc biệt).
Bám sát nhiệm vụ thực tế
Đã thành nề nếp, vào sáng 25 hàng tháng, Chi bộ thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn tổ chức sinh hoạt định kỳ theo kế hoạch. Các buổi sinh hoạt của chi bộ luôn thể hiện rõ không khí dân chủ, cởi mở. Việc cung cấp thông tin, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của chi bộ gắn với chức trách nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu luôn được chú trọng, nhất là việc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII).
Ông Hoàng Túc, Bí thư Chi bộ thôn Hiền Sĩ cho hay: Việc duy trì sinh hoạt định kỳ giúp cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc thêm vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc sinh hoạt chi bộ. Nội dung sinh hoạt được chi bộ chuẩn bị chu đáo, có sự tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận của cán bộ, đảng viên nên đã đánh giá đúng những thế mạnh, kết quả đạt được, những hạn chế, khuyết thiếu cần khắc phục. Đồng thời, xây dựng phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo bảo đảm sát với điều kiện cụ thể của địa phương và có tính khả thi.
Cùng với duy trì nghiêm nề nếp theo lịch, nội dung sinh hoạt được các chi bộ tập trung thực hiện đổi mới, nâng cao công tác lãnh, chỉ đạo. Quá trình tổ chức thực hiện, các chi bộ đều có sự chuẩn bị bài bản, chu đáo, có sự thống nhất về nội dung trong chi ủy trước khi tổ chức sinh hoạt chi bộ. Trong sinh hoạt, các chi bộ cũng đã chú trọng phát huy dân chủ, nhất là việc thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi, nhiệm vụ của đảng viên, tạo không khí cởi mở, chân thành để mọi cán bộ, đảng viên bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình.
Thông qua chất lượng, hiệu quả của sinh hoạt chi bộ, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của địa phương, đơn vị đã được giải quyết, tiêu biểu như: Tạo sự đồng thuận trong thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho nhà đầu tư; trong phong trào xây dựng nông thôn mới hay xã hội hóa cải tạo, nâng cấp đường, công trình văn hóa tại khu dân cư…
Tiến Dũng