Phim “Nhà bà Nữ” hết Tết chưa hết “hot”

Cảnh trong phim Nhà bà Nữ

Khi một bộ phim thành công về doanh thu, bên cạnh yếu tố chất lượng, người ta hay nhắc câu “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Tết Quý Mão, các phim ngoại chiếu rạp đều không quá nổi bật. Nên, cuộc “so găng” chỉ có 2 đối thủ là Nhà bà nữChị chị em em 2 .

So với phim của Vũ Ngọc Đãng được đánh giá là “có nghề”, đề tài khêu gợi những thơm tho, váy áo, da thịt và sự nhập cuộc của 2 gương mặt nữ ăn khách – ca sĩ Minh Hằng và người mẫu Ngọc Trinh, Nhà bà Nữ thoạt nhìn thấy sự yếu thế vì đề tài cũ kỹ. Chẳng có cảnh nóng; chẳng kỹ xảo mãn nhãn; không thời trang, thơm tho “bắt trend” với Tết, Nhà bà Nữ chát chúa, thô kệch, cũ kỹ nhưng lại níu giữ khán giả lắng nghe tấn bi hài kịch của gia đình bà Nữ như chính mình trong cuộc.

Cầm trịch cuộc sống gia đình, bà Nữ (nghệ sĩ Lê Giang), chủ quán bánh canh khét tiếng bán đắt và tính cách chua ngoa luôn bắt mọi người phải sống theo ý muốn của bà. Cách yêu thương áp đặt của bà khiến những người thân thấy bí bách, tù túng, tổn thương về tinh thần. Khán giả dễ nhận ra hình ảnh bà Nữ có rất nhiều trong đời sống thường ngày, là những người cha, người mẹ yêu thương con vô điều kiện nhưng luôn muốn con sống trong những ước mơ của mình.

Trong hai người con gái của bà Nữ, Ngọc Nhi (Uyển Ân) luôn ra mặt cưỡng lại sự sắp đặt của mẹ nhưng cô lại là người có tính cách giống mẹ hơn cả. Được mẹ bao bọc, kiểm soát từ bé, Ngọc Nhi hiếu thắng và không hiểu rõ mình muốn gì ngoài ý nghĩ “tự do”. Nên khi đối diện với khó khăn, cô hành xử ngang ngược, ích kỷ, có lúc trở thành bản sao xấu xí của mẹ. Nhân vật Ngọc Nhi giống nhiều thanh niên thời nay, sống trong sự kìm kẹp của bố mẹ, đến khi mâu thuẫn giữa họ và người thân không được giải quyết thì lập tức ‘bùng nổ’.

Trấn Thành trong phim Nhà bà Nữ

Vào vai nhân vật phụ trong phim nhưng Nhuận của Trấn Thành lại gây ấn tượng mạnh với khán giả với diễn xuất nổi trội.

Nhuận là con rể bà Nữ, sống chịu đựng, nhu nhược, mặc kệ mẹ vợ khinh miệt, vợ đàn áp, bắt nạt. Nhưng rồi nhưng uất ức lâu ngày đã trở thành giọt nước tràn ly thôi thúc Nhuận rời bỏ nhà bà Nữ.

Cảnh diễn trước khi rời nhà ra đi của Nhuận được đánh giá là xuất sắc. Một lối diễn đầy tiết chế, thể hiện qua gương mặt, ánh mắt, đôi môi, giọng nói .v.v. vẻn vẹn vài phút đồng hồ, khán giả thấy rõ mồn một nỗi đau, nỗi uất ức mà Nhuận đã chịu đựng bao năm tháng.

Trước khi bỏ đi, Nhuận để lại số vàng dành dụm được cho vợ, cúi lạy bà và mẹ vợ như một sự biết mình sai nhưng không còn cách nào khác. Hành xử của Nhuận và hình ảnh anh quả quyết bỏ đi xô đổ sự cao ngạo, hiếu thắng của những người đàn bà trong nhà bà Nữ.

Đề tài cũ nhưng chất đời đặc sệt. Một số ý kiến chê phim ngôn ngữ tục, chửi bới, cãi lộn, bạo lực gia đình. Nhưng cuộc sống rõ ràng đã và đang tồn tại những mảng miếng đời sống ấy. Và những mảng miếng ấy khi đưa vào phim hợp với đề tài, ăn với cốt truyện, bối cảnh thì nó có giá trị để làm nên sự hoàn thiện của một tác phẩm.

Xem phim, khán giả trải qua những khoảnh khắc hỉ, nộ; khóc, cười một cách hợp lý, duyên dáng. Tiếng cười được tạo ra từ những tình huống hài hước, bất ngờ. Và những giọt nước mắt trong phim cũng tạo ra sự lắng đọng về cảm xúc khiến khán giả đôi lúc rưng rưng.

Thêm một điểm cộng cho Nhà bà Nữ là hình ảnh phim chỉn chu, giàu ý nghĩa. Phim mở đầu bằng hình ảnh đám cua, như ám chỉ gia đình bà Nữ toàn những người ‘ngang như cua’ và các tình tiết của phim đã minh chứng điều đó. Hình ảnh bàn tay vuốt gốm của Ngọc Nhi cùng những sản phẩm có phần thô kệch ở đầu phim và hình ảnh các sản phẩm gốm tinh xảo ở cuối phim như minh chứng cho sự trưởng thành, sự thay đổi để hoàn thiện của mỗi nhân vật trong phim.

Sự ăn khách của Nhà bà Nữ cũng gây tò mò với giới chuyên môn. Một số nhà biên kịch, nhà văn cũng mua vé đến rạp để xem “vì sao Nhà bà Nữ hút khách?”.

Nhà Văn Nguyễn Quang Lập chia sẻ sau khi xem phim: “Nó đúng là phim giải trí 100%. Phim cũ kỹ nhưng sinh động. Khán giả chẳng quan tâm cũ, mới, chỉ cần sinh động. Phim rất kịch nhưng nhiều xen kịch rất vui, một vài xen lôi cuốn. Khán giả chẳng cần biết kịch hay phim, xi nê hay ti vi, chỉ cần vui, lôi cuốn. Phim đầy dẫy những diễn giải giáo lý nhưng đánh trúng các vấn đề gia đình đương thời…”.

Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến thì khẳng định: “Điều dễ nhận thấy nhất về thành công của Nhà bà Nữ là khán giả tìm thấy mình trong các nhân vật. Mà nhân vật của Trấn Thành thì đậm sệt đời sống như họ bước thẳng từ đời sống lên màn ảnh. Văn học hay điện ảnh, anh nào có đời sống anh đó thắng. Bởi cái mà khán giả hay độc giả cần ở nhà văn, ở đạo diễn, biên kịch…là sự chân thật. Phim của Trấn Thành thật thôi rồi…”.

Một câu chuyện cũ, kể theo cách cũ qua diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên trong phim lại đã tạo ra sức hút với người xem. Đơn giản vì bộ phim rất đời, có đủ không khí, màu sắc để người xem trải nghiệm. Dường như ai cũng thấy một phần của mình trong mỗi nhân vật. Các câu thoại trong phim đầy sự giảng giải đạo lý nhưng lại không thấy sự đao to, búa lớn mà rất thấm với mỗi người. Sẽ chẳng có hạnh phúc nếu phải sống theo ý muốn của người khác; sống vì ước mơ của người khác. Và gia đình luôn là nơi để mọi người muốn trở về.

CHU THU HẰNG

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

PHỐ CỔ BAO VINH-HUẾ

Có một góc Huế vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính, đó là phố cổ …