Phát huy di sản văn hóa, tinh thần yêu nước của Cụ đồ Chiểu

Đại biểu viếng mộ cụ Nguyễn Đình Huy-thân sinh cụ Đồ Chiểu tại thôn Bồ Điền (xã Phong An, huyện Phong Điền)

Nơi hình thành, vun đắp nhân cách, lòng yêu nước

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) là một nhà văn hóa lớn, nhà thơ yêu nước, nhà giáo của nhiều thế hệ, thầy thuốc tinh thông y lý, y thuật và nổi tiếng về y đức của dân tộc Việt Nam.

Là một trong những người khai sáng và là tác giả tiêu biểu nhất của dòng văn chương yêu nước chống ngoại xâm nửa sau thế kỷ XIX, thơ văn của ông đậm tính nhân văn, khích lệ lòng yêu nước, chứa đựng nhiều ý nghĩa về đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đã góp phần nâng cao tầm vóc và ảnh hưởng của văn học nước nhà. Ông còn là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm…

Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1/7/1822 tại làng Tân Thới, tỉnh Gia Định (nay là TP. Hồ Chí Minh). Tuy sinh tại miền Nam, nhưng chính tại quê cha Phong Điền, Thừa Thiên Huế ,văn tài của ông mới được hun đúc. Năm 11 tuổi, ông được cha đưa về quê hương ăn học, suốt 10 năm sau mới trở lại Gia Định và thi đổ tú tài. Năm 25 tuổi, khi chuẩn bị ứng thi tại Kinh thành Huế thì được tin mẹ mất, phải quay trở về chịu tang mẹ. Dọc đường ốm nặng, phần vì khóc thương mẹ nên ông đã mù cả hai mắt.

Không thấy ánh sáng, nhưng tâm hồn luôn tỏa sáng, giữ tròn trung hiếu với những tác phẩm đồ sộ, chất chứa nét hùng ca bi tráng như: Truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế sỹ dân lục tỉnh….

Những tác phẩm này cùng tên tuổi của ông đã đưa nền văn học cận đại Việt Nam lên tầm thế giới. Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã khẳng định: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”.

Đại biểu tham quan trưng bày ảnh về cụ Nguyễn Đình Chiểu

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh khẳng định, đạo lý nhân nghĩa Việt Nam và nhân cách cá nhân hòa trộn trong con người thi sĩ vô cùng yêu nước của ông, khiến những trang viết của ông tạo nên sức sống mạnh mẽ trong lòng dân Nam Bộ. Chính quãng thời gian sống ở quê hương Bồ Điền, xã Phong An đã ăn sâu trong máu thịt ông, khởi đi từ nhận thức sự thống nhất quốc gia dân tộc trong hình ảnh Kinh thành Huế, các giá trị văn hóa tinh thần xứ Huế. Kinh thành Huế và Nho giáo học được từ nhỏ tại Huế đã làm cho ông có niềm tin sâu sắc vào đạo lý nhân nghĩa theo ý thức hệ nho giáo gắn với truyền thống dân tộc và niềm tự hào về một quốc gia thống nhất toàn vẹn trên đường cường thịnh. Niềm tin có gốc rễ sâu xa, mạnh mẽ và bất khuất đó đã làm nên tính chiến đấu sâu sắc trong từng trang viết của ông.

Ngày 23/11/2021, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức đưa Nguyễn Đình Chiểu vào danh sách danh nhân văn hóa thế giới và quyết định đồng tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông (01/7/1822 – 01/7/2022).

Phát huy giá trị danh nhân văn hóa thế giới

Ông Nguyền Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế. Trên sơ sở đó, Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 13/12/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển huyện Phong Điền đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã khẳng định “Chăm lo phát triển văn hóa – xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị di sản, văn hóa truyền thống”. Đó vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ quan trọng trong việc giữ gìn di sản văn hóa trên địa bàn huyện; trong đó, có “Di sản văn hoá gia tộc cụ Đồ Chiểu tại quê hương Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền”.

Tặng tư liệu, bài viết về cụ Nguyễn Đình Chiểu cho Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu

Theo các đại biểu tham gia hội thảo, làng quê Bồ Điền hiện còn ngôi từ đường thân tộc thờ phụng Nguyễn Đình Chiểu tại bản quán. Đây là một di sản hết sức đặc biệt quý báu, trong đó có cuốn phổ tự (phổ để thờ) có ghi tên danh nhân Nguyễn Đình Chiều. Ngôi từ đường này được xây dựng bên cạnh từ đường họ Nguyễn Đình hiện chưa được tề chỉnh trang nghiêm. Cần phải tôn tạo nơi đây thành nơi thờ tự thể hiện được vị thế của danh nhân Nguyễn Đình Chiều đối với văn hoá của dân tộc, là nơi xứng đáng để quan khách hành hương tưởng niệm ông sau này. Xây dựng bảo tàng thu nhỏ theo mô hình “Từ đường – Bảo tàng”, vừa là nơi thờ phụng và kính ngưỡng, vừa là nơi giới thiệu về lịch sử dòng họ, làng xã và danh nhân văn hóa, đặc biệt là về quãng thời gian tuổi niên thiếu cụ Nguyễn Đình Chiểu đã sinh sống, học tập ở làng Bồ Điền.

Cần sớm tiến hành xây dựng, lập hồ sơ “Cụm di tích lịch sử – danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu và gia tộc ở Huế”, gồm nhà thờ họ, mộ tổ, mộ cụ Nguyễn Đình Huy, nhà cụ Thái phó để xét công nhận di tích cấp tỉnh, làm cơ sở đưa vào kết nối thành “Hệ thống di tích quốc gia của nhà thơ – nhà văn hóa Nguyễn Đình Chiểu”. Từ di sản, lăng mộ của các bậc tiền nhân, lăng mộ ông bà Nguyễn Đình Huy, nhà thờ phái Nhất, nhà thờ họ Nguyễn Đình sẽ tạo thành quần thể di sản độc đáo, đặt trong hệ thống di sản đình chùa miếu vũ của làng Bồ Điền, sẽ thành biểu trưng cô đọng nhất, cứ liệu thiết yếu nhất cho việc xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia trong tương lai.

Các ý kiến tại hội thảo đề xuất thành lập phòng lưu niệm truyền thống, giới thiệu thân thế, sự nghiệp của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (tọa lạc tại thôn Bồ Điền). Phòng lưu niệm sẽ trưng bày những tác phẩm, sử liệu, tài liệu, những tác phẩm văn học tiêu biểu của ông. Kết hợp xây dựng “Tủ sách – thư viện Nguyễn Đình Chiểu”, vừa nhằm giới thiệu, tôn vinh, vừa giáo dục thế hệ trẻ, bằng những giờ học ngoại khóa về lịch sử địa phương, danh nhân văn hóa, cho học sinh các cấp trên địa bàn Phong Điền cũng như Thừa Thiên Huế.

Tin, ảnh: Quang Minh

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …