Hai hôm trước, tôi ghé trạm đổ xăng. Trạm khá vắng khách. Kim xăng trên ô tô nhích lên con số khoảng trên dưới 23 lít gì đó, mang về cho tôi thêm một cảm giác dễ chịu. So với khoảng chừng này tháng trước, số tiền 500 ngàn đồng mà tôi thường “định lượng” cho mỗi lần đổ ít hơn rất nhiều.
Nhưng việc “dễ thở” có vẻ cũng mang tính nhất thời. Thông tin dự kiến về giá xăng sẽ tăng trong những ngày tới vẫn xuất hiện với tần suất khá dày trên các trang báo. Nó mang đến cho người tiêu dùng một trạng thái rất phập phù. Đây đâu phải là mặt hàng mà người ta có thể mua về trữ nhiều và thường xuyên, nhất là khi không có đủ phương tiện đảm bảo an toàn trước nguy cơ cháy nổ! Mà thật ra trữ xăng trong dân cư là điều không được khuyến khích, thậm chí là có những biện pháp chế tài kèm theo (điều 13, chương I, Luật Phòng cháy và chữa cháy).
Tác động của giá xăng, dầu đương nhiên không chỉ đối với các phương tiện tham gia giao thông mà thông qua đó, nó sẽ đẩy theo các chỉ số giá tiêu dùng. Nghĩa là tác động lên mọi bình diện của đời sống xã hội. Nó đi vào cuộc sống hàng ngày, từ cái ăn, cái mặc đến mọi khía cạnh của hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Tìm mọi cách “hóa giải” bằng tiết kiệm đến thắt chặt chi tiêu là cách để người dân đối phó với tình trạng này. Đối với doanh nghiệp, tác động của giá xăng, dầu sẽ nhiều hơn, sâu hơn và điều này một lần nữa, lại tác động đến chính lao động tham gia vào các khâu/dây chuyền sản xuất.
Trước khi đề cập đến việc điều hành giá, kể cả quy định chiết khấu trong kinh doanh xăng, dầu chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng thiếu hay nhỏ giọt nguồn cung, điều ghi nhận là từ tháng 7 năm nay, Chính phủ cũng đã tìm cách để áp dụng triệt để các biện pháp bình ổn giá, giảm thuế bảo vệ môi trường vào tháng 4/2022 và đến khoảng trung tuần tháng 7/2022 đã tiếp tục giảm kịch sàn trong khung thuế bảo vệ môi trường, góp phần bình ổn giá xăng, dầu và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, giá xăng, dầu hiện vẫn đứng trước nhiều biến động của thế giới. Nếu không có các giải pháp điều hành mang tầm vĩ mô, mặt hàng thiết yếu này sẽ “chảy” chậm và yếu trong dòng chảy của đời sống xã hội, với những tác động và hệ quả lên nền kinh tế – xã hội. Việc điều hành giá chưa phù hợp cũng đã được cử tri phản ánh lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và người dân đang rất mong chờ những giải pháp tiếp theo.
Sáng nay, tôi lại nhìn đồng hồ xăng của mình, dù lượng tiêu hao vẫn chưa nhiều. Ý định là sẽ ghé đổ thêm ít nữa cho đầy bình. Điều này đến từ các thông tin và chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh về việc phải xếp hàng đổ xăng theo kiểu nhỏ giọt, mỗi người từ vài chục đến nhiều nhất là 200 ngàn đồng. Nhiều cây xăng thậm chí còn treo bảng hết hàng. Đến chiều hôm qua (11/10), giá xăng, dầu đã đồng loạt tăng (trong đó tăng mạnh nhất là dầu) sau 4 phiên giảm giá liên tiếp.
“Cơn sốc” này có lẽ chỉ xảy ra ở TP. Hồ Chí Minh. Huế và nhiều nơi khác vẫn đang thong thả, cho dù người tiêu dùng vẫn phập phù lo lắng khi theo dõi giá xăng, dầu hàng ngày.
Nguyễn An Bình