Núi Bân bước ra từ “An Nam cổ tích”

Một lần nữa, núi Bân được nhắc tới nhiều trong những ngày gần đây khi công tác khai quật khảo cổ học nơi này được triển khai, nhằm mục đích bổ sung các căn cứ khoa học đáng tin cậy để phục vụ công tác xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích này trở thành Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Còn có các tên gọi khác là hòn Thiên (Thiêng), núi Ba Tầng, núi Ba Vành… cao 43m, núi Bân nằm ở phía nam núi Ngự Bình. Ngọn núi này được biết đến là nơi Nguyễn Huệ làm lễ tế cáo trời đất, chính danh lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung vào năm 1788.

Di tích được hiểu là dấu vết của quá khứ còn lưu lại trong lòng đất hoặc trên mặt đất có ý nghĩa về mặt văn hóa và lịch sử. Ở Việt Nam, một di tích khi đủ các điều kiện sẽ được công nhận theo thứ tự: di tích cấp tỉnh, di tích cấp quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt. Di tích quốc gia đặc biệt là những di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia, do Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng. Lần xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt đầu tiên là vào năm 2009.

Sau đợt xếp hạng thứ 12 vào đầu năm 2022, Việt Nam có tổng cộng 123 di tích quốc gia đặc biệt. Chỉ mới có 2 di tích quốc gia đặc biệt, Huế chưa thể so sánh với Hà Nội có đến 21 di tích hạng này. Thế nhưng, vùng đất Hương ngự có thể tự hào với Quần thể kiến trúc Cố đô Huế là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt được công nhận ngay trong đợt đầu tiên vào năm 2009. Mới đây vào cuối năm 2021, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế cũng vừa đón bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt.

Trở lại với núi Bân. Năm Khải Định thứ 10 (1925), triều Nguyễn đưa núi Bân vào danh mục “An Nam cổ tích” cần được bảo tồn. Năm 1976, UBND cách mạng Bình Trị Thiên có quyết định đưa “núi Ba Vành” vào “Danh sách các Di tích Lịch sử Văn hóa Nghệ thuật và Danh thắng được liệt hạng để bảo vệ”. Năm 1988, núi Bân được công nhận Di tích cấp quốc gia và đến năm 2008 đã có một dự án chỉnh trang, tôn tạo cùng với việc xây dựng quảng trường và tượng đài của Hoàng đế Quang Trung ngay bên cạnh đó.

Hằng ngày vẫn qua lại, tôi thích không gian quảng trường và tượng đài của Hoàng đế Quang Trung ở núi Bân, đẹp, thơ mộng và huyền bí. Nhiều năm qua, đó là điểm đến của người dân Huế và du khách muốn tìm lại dấu tích lịch sử hào hùng và những phút giây thư giãn nơi đây. Còn kết quả khai quật khảo cổ vừa qua do các chuyên gia đến từ đến từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tìm thấy những vết tích bó móng kè đá, kè gạch, mặt nền san phẳng… qua đó bước đầu xác định đàn Nam Giao thời Tây Sơn xây dựng tại núi Bân.

Không xa núi Bân là đàn Nam Giao triều Nguyễn và tôi lại nghĩ đến quyết định của vua Khải Định năm nào khi đưa núi Bân vào danh mục “An Nam cổ tích” cần được bảo tồn. Đó là cách nhìn khoan dung, khả năng ứng xử nhân văn và là nét đẹp văn hóa, thể hiện sự tôn trọng những giá trị văn hóa lịch sử của cha ông xưa, đã và đang được gìn giữ và phát huy.

ĐAN DUY

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …