Thằng Cá Mú đứng nấp sau chiếc cột nhà ngó đăm đăm ra khoảng vườn phía trước nhìn nội bới tìm trong đống bùn đất còn sót lại sau trận lũ. Ba nó còn leo tít trên mái nhà kiểm tra xem chỗ nào chưa ổn thì bắn vít tôn thêm cho chắc chắn. Trong nhà thỉnh thoảng lại vang lên tiếng chị ba đọc bài ngắt quãng, bởi cuốn sách giáo khoa ngấm nước trong cơn lũ nhiều chữ đã nhòe đi. Má nằm trong căn buồng nhỏ, chỉ có chút ánh sáng hắt vào qua tấm rèm hoa. Từ ngày chị hai bị cuốn theo cơn lũ mọi thứ đều trở nên rời rạc, u buồn. Đến con mèo cũng chẳng buồn chạy vòng vòng quanh sân vờn bóng bắt đuôi của mình như trước nữa. Lâu rồi cũng không thấy nó tha về con chuột lớn nhỏ nào. Có thể cơn lũ không chỉ cuốn phăng nhà cửa, đồ đạc, túi hạt hoa vạn thọ và đứa cháu gái ngoan ngoãn của nội. Mà ngay cả những con chuột lớn nhỏ sau lũ cũng chẳng còn. Hoặc có thể con mèo biết cô chủ thân yêu của nó đã ra đi mãi mãi nên cũng chẳng tha thiết gì việc bắt chuột báo công như trước nữa. Cô Bảy hàng xóm nhảy qua bức tường rào thấp lè tè bưng sang bát canh cá còn nóng hổi. Ngó qua thấp bếp núc lạnh tanh cô thở dài thườn thượt, vừa đi vào nhà vừa gọi:
– Dậy cơm cháo cho bà cụ và mấy ba con nó ăn đi chị Hà ơi. Nằm hoài ốm bệnh thì sao? Nghe nói mai anh chị phải vào Sài Gòn lại đúng không?
Trong buồng, má gượng ngồi dậy, bới gọn mái tóc bù xù, vén rèm đi ra bảo:
– Thì cũng phải gượng dậy mà sống chứ cô. Còn mẹ già con nhỏ, đâu thể cứ ở nhà mà nhìn nhau mãi. Tết nhất đến nơi rồi…
– Phải đó chị. Đi làm cho khuây khỏa đầu óc. Tết nhất còn bao khoản phải lo. Riêng tiền đóng học cho tụi nhỏ cũng đủ ốm người.
Hai người đàn bà đưa mắt dõi nhìn về phía nắng nhạt nhòa. Nơi bà cụ vẫn lẩn thẩn bới tìm túi hạt giống hoa cúc vạn thọ giấu trong góc bếp đã trôi đâu mất trong trận lũ. Ba bảo mọi người cứ kệ đi, có thể thứ nội muốn tìm không phải nắm hạt hoa mà là một bóng hình yêu dấu. Điều này thì thằng Cá Mú biết rõ hơn ai hết. Bởi từng có lần nó ra dắt nội vào nhà tránh cơn mưa vừa kéo đến thì bắt gặp ánh mắt đầy oán trách của bà. Cũng có lần đang yên đang lành nội cầm roi rượt Cá Mú chạy quanh sân. Vừa dồn nội vừa mắng:
– Tổ cha mi. Bữa đó trời mưa bão còn chạy ra ngoài làm gì để chị hai mi phải đuổi theo mất mạng.
– Thì tại cặp sách bị cuốn đi, con phải chạy theo để vớt nó vào. Con đâu biết chị hai chạy theo con. Đâu biết cơn lũ hung dữ thế…
Thằng nhỏ bỗng òa khóc nức nở, dù hôm vớt xác chị hai về nó không hề khóc. Nó đứng ôm cột, ngửa cổ để những hạt mưa còn sót lại rơi xuống khắp mặt mình. Vài bức ảnh của chị hai cũng trôi theo cơn lũ. Ba má sấp ngửa từ Sài Gòn về ôm lấy thân xác đứa con gái ngoan ngoãn vừa tròn mười hai tuổi. Người ta tìm kiếm trong điện thoại chẳng thấy bức ảnh nào chụp riêng bé Nụ. Kể cũng phải, có bao giờ bé Nụ đứng một mình đâu. Xung quanh nó luôn là lũ em lít nhít, nhí nhố, nhì nhèo. Ba má đi làm tận Sài Gòn, nội thì đã mắt mờ, chân chậm. Nụ trở thành người mẹ thứ hai ở trong nhà, một mình quán xuyến nhà cửa chăm sóc nội và các em thơ. Hôm bão về mấy bà cháu ngồi co ro trong nhà. Tiếng gió gầm gào trên mái tôn mà lúc chiều hàng xóm đã chèn giùm vài bao cát lớn. Thằng Cá Mú nằm ôm lấy chân chị hai hỏi bâng quơ: “Chừng nào thì bão qua?”. Tiếng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” của nội cứ lúc to lúc nhỏ, lúc chìm nghỉm trong tiếng gió hú ngoài kia. Chị hai bảo: “Mấy đứa đừng sợ. Ngủ đi”. Thế rồi bão cũng qua, cứ tưởng thế là yên ổn, dù tiếng nội chép miệng thở dài bảo: “Hết bão rồi tới lũ. Cực làm sao”.
Hôm ấy lũ về do hoàn lưu bão, mưa dai dẳng từ đêm, đến sáng hôm sau nước đã lênh láng khắp nơi. Nhưng trưa hôm ấy lúc Nụ đang kho lại nồi cá thì nước ở đâu cuồn cuộn chảy về. Nước ào vào nhà cuốn phăng xô chậu, xoong nồi, đám gà vịt ở đâu cũng trôi dạt đến. Hàng xóm bốn bề nháo nhác nhưng vẫn kịp hô hào chạy qua nhà giúp mấy bà cháu Nụ. Người cõng nội, người lôi tay Nụ, người xốc nách bế tụi nhỏ chạy qua hàng xóm. Nhẽ ra sẽ không có chuyện gì nếu Cá Mú không giằng tay chị hai để lao theo chiếc cặp sách của mình. Người chị cũng lao theo giành giật đứa em với cơn lũ hung hăng. Lúc thằng Cá Mú được đặt lên tấm ván thì cũng là lúc dòng lũ kịp cuốn phăng đi chị hai của nó. Khi người ta dội nước tắm rửa cho Cá Mú, phát hiện trên cơ thể nó có rất nhiều vết thương do va đập mạnh. Hai tuần sau những vết thương ấy còn không thôi mưng mủ. Nhưng thằng nhỏ tuyệt nhiên không kêu đau. Người ta chỉ thấy nó hay đứng bám vào cột nhà hoặc ngồi yên một chỗ. Ngay cả trong giấc ngủ hai bàn tay nó vẫn còn nắm rất chặt, không thể gỡ ra. Đâu ai hiểu được nỗi ám ảnh khi bàn tay ấy đã để tuột mất chị hai nó trong cơn lũ xiết. Đêm nào nó cũng thấy cơn lũ kéo đến cuốn phăng đi tất cả, hung dữ như một con quái vật. Cá Mú bừng tỉnh giấc, mắt trừng trừng nhìn lên trần nhà, ngay cả một tiếng hét trong đêm cũng không bật thành lời.
Mấy đứa nhỏ đứng ở cổng nhìn theo chiếc xe máy kêu bành bạch chở ba má mình khuất bóng. Má nói “đi nốt chuyến này rồi về. Xoay xở bán buôn vụ tết kiếm tiền trả bớt nợ nần rồi để mình anh ấy đi làm xa thôi. Chắc chị kiếm việc gì đó loanh quanh gần đây, đủ tiền rau cháo qua ngày. Còn biết bao mùa lũ ở phía trước, nhà toàn mẹ già con nhỏ, bỏ lại sao đành”. Cô Bảy quệt nước mắt, giúp má đeo chiếc ba lô lên vai. Trong nhà mùi khói hương bay ra lặng lẽ. Trên di ảnh, chị hai cười tiễn ba má đi xa như bao nhiêu lần khác. Thằng Cá Mú ngồi ở đầu nhà cạy vảy những vết thương trên người đang khô dần lại. Chỉ vết thương trong lòng nó vẫn không thôi mưng mủ. Nhất là mỗi lần nghe tiếng dép ai đó loẹt quẹt ngoài sân nội giật mình hỏi “Nụ à?”.
Thu qua, đông tới. Bỗng một buổi sáng ra vườn thằng Cá Mú ngỡ ngàng thấy những vạt cúc vạn thọ mọc lên tua tủa. Cúc mọc ở khắp nơi, lan ra theo hướng đi của lũ. Ngay cả trên bãi bùn khô cứng lại, bằng một cách nào đó những hạt mầm bé nhỏ vẫn đội đất vươn lên. Thằng Cá Mú vội dắt nội lập cập chống gậy ra vườn. Tay nội run run chạm vào từng chiếc lá non xanh. Như một điều kỳ diệu, túi hạt giống hôm nào cứ ngỡ bị cơn lũ cuốn đi chôn vùi ở một nơi nào đó xa xôi. Có ai ngờ chúng còn cố níu lại mảnh vườn này. Chẳng cần phải tưới tắm, chăm sóc cầu kỳ, vạn thọ cứ thế lớn lên thẫm xanh cả khoảng vườn. Cúc đuổi theo mùa, mùa đan vào cúc. Nội nói chẳng mấy chốc sẽ thấy xuân về…
Chị ba bắt đầu học nhóm củi nấu cơm, quán xuyến cửa nhà. Thỉnh thoảng chị ba ra đứng giữa sân chắp tay sau lưng gọi ồi ồi: “Thằng Cá Mú đâu rồi về tắm nhanh kẻo lạnh”. Có khi thằng út ngã sõng soài ngoài sân, chị ba chạy ra vội bế lên nựng nịu: “Út ngoan lắm mà. Để chị mắng cái sân làm đau út nhé”. Chao ôi! Cái giọng sao mà giống chị hai quá trời. Ngay cả cái nết vừa cọ lưng cho em vừa càm ràm nghịch cái gì mà chân tay người ngợm bẩn thỉu quá trời. Cá Mú nghe mà rưng rưng muốn khóc. Gió mang vị mặn mòi của biển thổi qua những nóc nhà. Tiếng nội ru út ngủ cứ lúc gần lúc xa, lúc như cõi mơ, lúc về cõi thực. Cá Mú đã ít dần những cơn ác mộng trong đêm. Dạo này nó hay mơ thấy mình nhỏ xíu nằm ngủ trên chiếc lá cúc vạn thọ ngoài vườn. Gió rung rinh, từng hạt sương đêm trong veo rơi xuống tắm đẫm cơ thể nó. Tỉnh giấc nó thấy nội đang quờ quạng kéo chăn đắp cho mấy chị em. Tiếng ho khan của nội đánh thức con mèo nằm dưới chân giường. Có thể nó đã nghe thấy tiếng chuột chạy ngoài hiên nên vội tuồn ra ngoài qua cửa sổ, bỏ lại một khe hở đủ để cho gió lọt vào nhà. Đây rõ ràng là thứ gió mơn mởn và tươi mới mang theo mùi của chồi non, lộc biếc.
Má tranh thủ lúc thưa khách điện về. Sài Gòn hiện ra qua màn hình điện thoại đông đúc và ồn ã. Má chưa dặn xong câu đã thấy tiếng khách dừng xe gọi bánh. Chẳng kịp tắt máy, tiếng má đon đả hỏi khách vọng ra… Mấy chị em Cá Mú ngồi quây lại nghe giọng của người dưng mà cũng ấm rực lòng. Chị ba bảo: “Sau này lớn lên chị cũng muốn vào Sài Gòn. Nhưng không phải đi bán bánh bèo, bánh bột lọc như má đâu mà là đi học. Đi học ấy, mấy đứa có hiểu không?”. Hiểu chứ sao không hiểu, ngày xưa chị hai cũng từng ước ao như thế. Bây giờ có thể chị hai đã đến một nơi nào đó đẹp hơn cả Sài Gòn.
Cuối cùng thì tết cũng đã đến. Cô Bảy hàng xóm ới qua dặn: “Mấy đứa tối nay nhớ để bụng ăn bánh tét. Cô có gói phần mấy cái bé xinh. Bánh vừa mới vớt xong ăn nóng và mềm là ngon nhất”. Sáng sớm hai bảy tết, mấy chị em còn nằm rúc trong chiếc chăn mỏng thì nội sai Cá Mú ra vườn hái nắm lá mùi già vào đun nước tắm. Như nhớ ra hôm nay ba má sẽ về, thằng nhỏ vục dậy đẩy cửa bước ra ngoài. Bỗng mắt nó dừng lại nơi góc vườn, những khóm cúc vạn thọ đã bắt đầu nở hoa. Từng bông hoa màu vàng cam bừng tỉnh cả khu vườn. Thằng Cá Mú reo vang: “Nội ơi ra mà xem, cúc vạn thọ nở rồi!”.
Đất trời khép lại một năm bằng những ngày nắng ấm. Cúc vạn thọ đã nở một vạt dài theo đường chảy của dòng lũ hôm nào. Hoa cứ thể tỏa ra như một dải lụa mềm trải dài ra tận ngõ. Nơi những hạt hoa cuối cùng níu lại trong cơn lũ chính là chỗ mà người làng đã vớt được chị hai. Chỗ ấy giờ dâng lên những bông hoa rực rỡ như nắng mật. Nội rưng rưng ôm lấy thằng Cá Mú vào lòng, đôi bàn tay nhăn nheo rờ rẫm trên những vết sẹo đã mờ dần trên người nó. Chẳng biết có phải do mùi mứt gừng bay từ căn bếp nhỏ ra không mà mắt ai cũng thấy cay xè…
Vũ Thị Huyền Trang