Những yếu tố bất lợi ngày càng lộ rõ

Những yếu tố tác động khó khăn cho nền kinh tế ngày càng hiện rõ hơn – bất động sản (BĐS), chứng khoán sụt giảm; trái phiếu doanh nghiệp khó huy động hơn; nguồn vốn cho vay từ ngân hàng thắt chặt. Thêm vào đó, lãi suất vay ngày càng tăng, vốn vay ngày càng khó; giá xăng, dầu tăng mạnh… Những yếu tố này mang tính vĩ mô tác động mạnh lên nền kinh tế.

Trong bối cảnh như vậy, vẫn chứng kiến nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm 2022; riêng trong quý 3 đã tăng 13,67%. Một số nhà kinh tế lý giải điều này là khi nền kinh tế thế giới nói chung bị ảnh hưởng mạnh nhưng vì Việt Nam đứng ở “ top dưới” trong chuỗi cung ứng nên bị tác động chậm hơn. Điều này cũng có nghĩa, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ gặp những khó khăn trong thời gian tới.

Còn nhớ, bước vào những tháng đầu năm 2022, mọi chỉ dấu của thị trường đều hết sức lạc quan. Các yếu tố huy động vốn của nền kinh tế như nêu ở đầu bài đều phát ra những tín hiệu tốt. Thị trường BĐS, chứng khoán đều tăng, chẳng những thế mà còn tăng nóng làm cho thị trường hưng phấn. Vào lúc này, nhiều nhà kinh tế và quản lý đã phát ra những tín hiệu cảnh báo, ví như thị trường BĐS. Thế nhưng thị trường như “con ngựa” bất kham, nó đâu có chịu nghe và cứ chạy theo sự hưng phấn của nó.

Và bây giờ, có thể nói những yếu tố quan trọng tác động đến nền kinh tế đã đến cùng một lúc. Giải quyết đồng thời cho được những yếu tố này là không hề dễ dàng.

Chúng ta cứ hình dung, ví như thị trường BĐS rơi vào khó khăn, mà hiện nay đã gặp phải những khó khăn thật. Cổ phiếu nhiều doanh nghiệp BĐS rớt đến vài chục %, thậm chí hơn đã cho thấy điều đó. Thị trường không còn hấp dẫn như trước. Nó đã không còn hấp dẫn thì nguồn vốn mới khó đi vào, nguồn vốn cũ thì “chôn chân” không phát huy hiệu quả. Một nguồn vốn xã hội rất lớn bị hút vào thị trường này. Theo Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 8/2022 đạt 777.235 tỷ đồng. Tính đến tháng 6/2022, dư nợ tín dụng BĐS chiếm đến 20,76% trong tổng dự nợ. Cho nên, một khi thị trường này khó khăn thì nó tác động mạnh đến nền kinh tế là điều dễ hiểu.

Những khó khăn thì đã nhận khá rõ nhưng bao giờ các thị trường này phục hồi luôn là một câu hỏi khó!

Nhưng, phàm cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Biết đâu khi thị trường tài chính và BĐS trục trặc (những thị trường này mang tính đầu cơ cao) sẽ là yếu tố tác động cho những dòng vốn đầu tư đi vào nền kinh tế sản xuất hàng hóa. Bởi nền kinh tế sản xuất (nhiều nhà kinh tế gọi là nền kinh tế thật) tạo ra sản phẩm hàng hóa, cơ sở vật chất, công ăn việc làm, thu nhập cho đại bộ phận xã hội… Đây mới là điều cần thiết cho một nền kinh tế phát triển bền vững.

Nguyên Lê

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …