Những cánh thư “vượt sóng” ra Trường Sa

Các cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa đọc thư của các em học sinh gửi từ Hà Nội.

Những lá thư chứa đựng tình cảm trong trẻo của các em với những lời chúc, lời nhắn gửi đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời nơi đảo tiền tiêu.

Gửi tình cảm từ đất liền

Giới thiệu cho chúng tôi những lá thư với nét chữ nắn nót, nghiêng nghiêng màu mực tím, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) Nguyễn Minh Uyên cho biết, khi triển khai chương trình “Xuân biên giới – Tết hải đảo” năm 2023, trong đó có nội dung gửi tặng cờ Tổ quốc, viết thư, làm thiệp chúc Tết “Những cánh thư vượt sóng” tới Trường Sa thân yêu, nhà trường đã nhận được hàng trăm lá thư viết tay cùng với các tấm thiệp đầy màu sắc của các học sinh. Những lá thư với màu mực tím còn tươi mới không chỉ là tình cảm mà còn là những lời gửi gắm ước mơ tới các chiến sĩ ở Trường Sa.

“Giáo dục kiến thức về biển đảo luôn là một trong những nội dung được nhà trường quan tâm, chú trọng. Các giáo viên của nhà trường thường xuyên lồng ghép các nội dung về biển đảo vào các tiết dạy với mong muốn khơi lên tình yêu, ý thức chung tay đóng góp, xây dựng biển đảo của Tổ quốc trong mỗi học sinh”, bà Nguyễn Minh Uyên chia sẻ.

Cầm tấm thiệp vừa mới trang trí trên tay, em Vũ Thủy Minh, lớp 5A2, Trường Tiểu học Nghĩa Đô vui vẻ cho biết: “Em luôn ấn tượng với hình ảnh chú bộ đội hải quân bởi sự hiên ngang, trung kiên, chịu đựng gian khổ. Vì vậy, em đã viết 1 bài thơ vào tấm thiệp và tự tay trang trí thêm những sắc màu để tấm thiệp của em tràn đầy mùa xuân gửi đến các chú bộ đội đang phải đón Tết xa nhà. Em mong tấm thiệp này sẽ mang lại sự ấm áp cùng các chú đón năm mới”.

Còn em Vũ Linh Giang, lớp 5A2 thì lại nắn nót viết vào tấm thiệp lời chúc: “Cháu chúc các chú một năm mới an khang, thịnh vượng, luôn luôn mạnh khỏe để bảo vệ Tổ quốc. Cháu cảm ơn các chú đã tham gia bảo vệ ngoài đảo xa để đất nước được đón Tết bình yên”.

Lật những trang thư viết trên giấy trắng, chúng tôi bắt gặp những tình cảm trong trẻo nhưng đầy sâu lắng của em Dương Khánh Chi, lớp 5A4 Trường Tiểu học Nghĩa Đô: “Cháu chưa bao giờ được đặt chân lên vùng đảo thiêng liêng Trường Sa mà các chú đang canh giữ ngày đêm. Những điều cháu biết về các chú chỉ là qua báo, ti vi hay lời kể của bố mẹ, thầy cô. Qua đó, cháu đã hiểu được sự hy sinh thầm lặng của các chú. Các chú không chỉ anh dũng chiến đấu, hy sinh mà còn vượt lên trên mọi khó khăn, gian khổ”.

Thư tay tô thắm sắc xuân

Hiện nay, khi các phương tiện truyền thông đang phát triển thì tại quần đảo Trường Sa, những lá thư tay vẫn là phương tiện truyền thống, quen thuộc và không thể thiếu trong đời sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân. Những bức thư vượt sóng ra với đảo chứa đựng cả sóng gió, tình yêu và nỗi nhớ của người thân mỗi độ Tết đến Xuân về. Đã có những giọt nước mắt hạnh phúc rơi trên gương mặt sạm đi vì nắng gió khi đọc thư của mẹ, của người yêu, của các học sinh từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi đến.

Đọc những lá thư viết tay của các học sinh gửi đến từ Thủ đô Hà Nội, Thiếu tá Vũ Văn Thành đang làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) xúc động cho biết, đây là món quà tinh thần có ý nghĩa lớn lao đối với các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa, nhất là dịp Tết đến Xuân về, khi nỗi nhớ người thân, nhớ đất liền dạt dào hơn bao giờ hết.

“Những món quà tinh thần đó là nguồn động viên lớn, giúp chúng tôi có thêm động lực để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bởi chúng tôi biết gia đình, người thân và nhân dân cả nước luôn ở bên, luôn dõi theo chúng tôi. Chừng ấy thôi, cũng đủ làm ấm lòng những người chiến sĩ đang ngày đêm canh gác, gìn giữ biển trời quê hương”, Thiếu tá Vũ Văn Thành chia sẻ.

Trung úy Nguyễn Hữu Đạt, Chính trị viên đảo Đá Đông C thì bảo, thư theo tàu ra đảo nên lâu lắm bộ đội mới nhận được. Những lá thư của người thân, của vợ con, của những học sinh từ đất liền gửi ra khiến các cán bộ, chiến sĩ rất xúc động, tự hào. Các anh luôn tự nhủ phải quyết tâm hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và cấp trên giao, bảo vệ bằng được chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Dưới trời xanh trứng sáo/Mặc nắng mưa gió bão/Cây súng chú chắc tay/Quân thù mà ló mặt/Biển lớn sẽ vùi thây/Em mong ngày khôn lớn/Sẽ vượt sóng ra khơi/Cũng cầm chắc tay súng/Giữ lấy biển lấy trời” – lời thơ trong trẻo cùng mong ước đáng yêu trong tấm thiệp chúc Tết đầu năm đã cùng các cán bộ, chiến sĩ nơi đảo tiền tiêu đón Tết ấm áp.

Thời gian này, trên đảo Trường Sa, những bông hoa bàng vuông đã nở rực hồng, những cánh hải âu chao nghiêng bên bờ sóng vỗ. Mùa xuân đã đến với nơi “đầu sóng, ngọn gió”, chứa đựng nhiều hương vị và màu sắc. Vị mặn của biển, vị chát của những giọt mồ hôi trên trán của những chiến sĩ trẻ, còn có cả vị ngọt ngào của tình thương yêu được gửi gắm qua những lá thư tay.

TheoTTXVN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

PHỐ CỔ BAO VINH-HUẾ

Có một góc Huế vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính, đó là phố cổ …