Việt Nam vừa giành 2 huy chương bạc tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới 2022 phiên bản đặc biệt. Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), đây là thành tích tốt nhất của đoàn Việt Nam trong 8 lần tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới (kỳ thi vẫn còn diễn ra đến tháng 11 và Việt Nam vẫn còn nhiều hy vọng giành thêm huy chương). Điều này không chỉ cho thấy kỹ năng nghề, nhất là các nghề công nghệ cao của lao động Việt Nam tiếp cận trình độ thế giới, mà công tác đào tạo nghề, phát triển kỹ năng nghề nghiệp của Việt Nam đã có bước phát triển đáng mừng.
Ông bà ta đã dạy “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hay “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Bất kể xuất thân ra sao, nhưng giỏi nghề thì đều được xã hội trọng dụng, tôn vinh. Tuy nhiên, một thời gian dài với quan niệm “nhất sĩ” của tư tưởng Nho giáo và tâm lý chuộng thầy hơn chuộng thợ của xã hội, nên công tác đào tạo nghề chưa được chú trọng đúng mức.
Khi cánh cửa các trường đại học rộng mở, mọi người có nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Tuy nhiên để tìm được việc làm lại là chuyện không dễ. Làm việc trái ngành, trái nghề là chuyện không phải ít; thậm chí có cử nhân giấu bằng để xin vào làm công nhân các nhà máy may, nhân viên giao hàng. Theo phân tích của giám đốc một doanh nghiệp dệt may ở Huế, chuyện “giấu bằng” của họ cũng có lý do. Bởi nếu đưa bằng đại học ra, các các doanh nghiệp sẽ e dè trong tuyển dụng, sợ tốn công đào tạo nghề, trong khi đối tượng này thường hay nhảy việc khi có cơ hội.
Tuy nhiên, điều đáng mừng, vài năm trở lại đây xu hướng chọn trường nghề để lập thân, lập nghiệp của lớp trẻ có sự chuyển biến tích cực. Con số 35% (hơn 1/3) thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2021-2022 không đăng ký xét tuyển đại học là một ví dụ. Có thể trong số này không hoàn toàn là đăng ký trường nghề, nhưng chắc chắn là số lượng lớn sẽ chuyển qua học nghề để sớm tham gia thị trường lao động, chứ không cố đeo đuổi con đường đại học.
Trong một xã hội, một nền kinh tế hay từng doanh nghiệp, cơ cấu lao động luôn có tỷ lệ phù hợp giữa các chuyên gia, kỹ sư, cử nhân, thợ làm nghề, lao động phổ thông… Tùy thuộc vào từng ngành, từng lĩnh vực mà cơ cấu trình độ lao động này có thể thay đổi cho phù hợp yêu cầu. Đặc biệt, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lực lượng lao động lành nghề là xương sống của quá trình sản xuất. Muốn có tay nghề thì phải qua quá trình đào tạo, rèn luyện, chứ không thể dựa vào kinh nghiệm như trước đây.
Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm đào tạo đại học đa ngành, đa lĩnh vực của cả nước. Bên cạnh đó, hệ thống các trường nghề từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng cũng được quan tâm đầu tư phát triển, thu hút nhiều lao động tham gia học nghề. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 15/4/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 157/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 55-58%; thu hút 40 – 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp…
Để thực hiện mục tiêu này, cần có sự chuyển động đồng bộ, từ nhận thức của người lao động đến việc sắp xếp, nâng cao chất lượng các trường nghề; các chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề; kết nối với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm cho học viên. Nếu làm tốt điều này, không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động mà còn góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước.
Hoàng Minh