Tưởng như đã thất truyền, những chiếc đèn lồng trung thu được nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách tìm hiểu và phục hồi lại
Nhiều người đã thốt lên với những lời khen ngợi khi chứng kiến những chiếc đèn lồng mang hình dáng các con vật thân thuộc như, cá, heo, cua… Ngỡ như những chiếc đèn lồng ấy chỉ xuất hiện ở dịp Tết Trung thu ngày xưa thì nay được phục dựng và trưng bày bên trong không gian Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao TP. Huế, bên bờ sông Hương thơ mộng vào đúng dịp Trung thu năm nay.
Và người phục dựng những chiếc đèn lồng đó không ai khác là nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách – người từng phục chế nhiều áo vua và thành viên hoàng gia nhà Nguyễn.
Theo lời nhà nghiên cứu Trịnh Bách, xưa kia ở Bắc Bộ có nhiều nơi làm đèn Trung thu cho trẻ em. Nhưng nổi trội nhất phải kể đến làng Báo Đáp ở Nam Trực, Nam Định. Người làng này làm đèn Trung Thu bài bản và quy mô hơn mọi nơi khác.
Tuy nhiên, trải qua những biến thiên lịch sử, nghệ thuật làm lồng đèn Trung thu cổ truyền quý báu gần như biến mất từ lâu ở miền Bắc. Nhưng may mắn, những người dân làng Báo Đáp khi di cư vào Sài Gòn vào giữa thập niên 1950 đã tụ họp lại lập ra xóm Phú Bình, hiện ở quận Tân Phú và tiếp tục nghề làm đèn cố hữu của họ. “Tất cả đèn trung thu của Sài Gòn và các tỉnh miền Nam từ hơn nửa thế kỷ nay đều được sản xuất từ Phú Bình. Nhưng các loại đèn cầu kỳ, tinh xảo cổ xưa cũng đã bị thất truyền ở Sài Gòn từ vài ba chục năm nay”, ông Bách chia sẻ.
Năm 2007, chính ông Bách cất công mày mò đến khu Phú Bình tìm lại các nghệ nhân tâm huyết với hy vọng phục hồi lại nghệ thuật quý báu này. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, mãi đến 10 năm sau, ông mới gặp được gia đình ông Nguyễn Trọng Văn. “Gia đình cụ Văn đã có truyền thống làm đèn Trung thu từ nhiều đời ở làng Báo Đáp. Từ khi dọn vào Sài Gòn họ vẫn tiếp tục giữ nghề, dù rằng có phải thay đổi một ít về hình thức của những chiếc đèn này”, nhà nghiên cứu Trịnh Bách kể.
Sau đó, nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã làm việc trực tiếp với anh Nguyễn Trọng Bình, con trai cụ Văn. Anh Bình được xem là nghệ nhân điêu luyện, có kỹ thuật và mẹo uốn khung tre thành hình dạng phức tạp một cách tự nhiên.
Chiếc đèn lồng trung thu mang hình dáng chú heo ngộ nghĩnh, đáng yêu
Sau khi phục hồi lại được một số đèn Trung thu cao cấp của Sài Gòn ngày trước, ông Bách vẫn không hiểu người Báo Đáp ngày xưa dán đèn bằng vật liệu gì. Theo ông Bách, hình ảnh và hiện vật còn lại ở các bảo tàng bên Pháp cho thấy được dán bằng loại giấy nhìn giống giấy bóng kính. Có những cái đèn cao cấp dán bằng vải lụa mỏng. Nhưng phần nhiều được dán giấy nhưng không phải là giấy bóng kính, vì cách vẽ theo lối bôi nước nhiều lần (tương tự như thủy mặc) trên các đèn này thì các loại giấy thường đều không chịu nổi.
Sau một thời gian tìm hiểu, ông Bách mới phát hiện ra người Báo Đáp xưa kia phần lớn dán đèn Trung thu bằng giấy nhiễu, hoặc có khi bằng vải. Giấy nhiễu là loại giấy bên trong có trộn vụn tơ hay sợi vải để chịu nước. Sau khi vẽ xong, đèn sẽ được quết một lớp dầu trẩu để chống thấm nước, và một lớp dầu bạch tùng để giấy trở thành trong.
Khác với đèn Trung Quốc, đèn trung thu của dân Báo Đáp hoặc là được treo trực tiếp lên cán tre, hoặc được gắn vào khúc tre ở bên dưới đèn. Bên cạnh đó, nhiều mẫu mã mới không có trong hệ thống đèn trung thu cổ cũng được tạo ra theo phong cách truyền thống để cho bộ sưu tập phong phú thêm. Có thể kể đến đèn con lợn làm phỏng theo các loại tranh dân gian như Đông Hồ hay Kim Hoàng. Hay đèn con cá Koi Nhật Bản…
“Hiện nay các nhà sản xuất đèn ở Phú Bình cũng đã bắt đầu theo mẫu mã của gia đình cụ Văn mà làm lại đèn trung thu truyền thống, dù lúc đầu họ vẫn chỉ làm được những mẫu đơn giản về hình dạng. Nhưng số lượng khách đặt hàng đèn Trung thu truyền thống từ khắp nơi trong nước đã tăng lên gấp bội so với những năm trước”, nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho hay.
Bài, ảnh:N. Minh