Người cương trực, nói lời cương trực

Thân Văn Nhiếp (1804-1872). Ảnh: Tư liệu

Làm quan dưới triều vua Tự Đức, ông nhiều lần can gián vua trước những chuyện đại sự của đất nước. Có lần biết chuyện Tự Đức ham thú tiêu khiển như xây nhà thủy tạ, nuôi ngựa quý, lại thường xuyên nghe hát, trong khi đó dân chúng lại bị đánh thuế cao, nhiều phen lao dịch, ông viết sớ can ngăn: “…Nay thần cúi xin triệt nhà thủy tạ, bãi hết cống dịch, hủy vườn hậu phố, chẳng cần ngựa hay, xa con hát để tăng lời nghe đoan chính”. Vua thấy lời lẽ của ông đầy trách nhiệm, lại khuyên răn đúng chỗ nên có phần nghe theo, giảm những thú tiêu khiển không cần thiết đó lại.

Được một thời gian, Tự Đức lại chủ trương xây dựng lăng Vạn Niên hao tốn sức người, sức của đến nỗi người dân phải ca thán. Năm 1866, khởi nghĩa chày vôi do Đoàn Trưng – Đoàn Trực lãnh đạo những phu đi xây dựng lăng vua nổ ra khiến kinh thành Huế một phen bạo loạn. Trong khi đó, thực dân Pháp nhăm nhe chiếm các tỉnh miền Nam. Binh đao khói lửa bao trùm đất nước khiến Thân Văn Nhiếp lo toan mà dâng sớ “Tự cường tự trị” hiến kế giúp vua ổn định đất nước.

Ông nhận thấy tình hình trong nước thiên tai, dịch bệnh, dân tình đói khổ. Mặt khác, giặc ngoại xâm đã kề bên “xâm lấn tơi bời, bồi tiền cắt đất”. Thế nước nguy nan, một mất một còn, người làm quan không thể ngồi yên một chỗ. Ông thẳng thắn bày tỏ: “Phàm việc gì không cần gấp, chính sách không tiện lợi… thì nên lần lượt thay đổi. Trước hết phải bỏ việc đi đông, đi tây, triệu các quan viên phái đi mua vật phẩm trở về, những lính tráng sai đi làm phải khoan sức, chớ đốc trách quá…”.

Tự Đức đọc sớ, thấy cục diện đất nước như ông nói, lại thấy có phần lỗi do mình liền phê: “Nhiếp nói đơn giản mà thiết thực… Tâm lực của ta thế nào đã có trời soi xét, và mọi người đều biết, không dám có ý kiến gì”.

Hai năm sau, tình hình vẫn không có gì thay đổi. Giặc Pháp ngày càng lấn tới, tiếp tục chiếm đất đai miền Nam. Dân chúng lầm than, kêu khóc. Thân Văn Nhiếp lại dâng sớ, lần này lời lẽ cứng rắn: “Hoàng thượng ngày thường vẫn mong bắt chước như Văn đế, thế mà hiện nay hành động lại trái ngược hắn. Nhà vua có nước mà không biết thương xót thì thần dân đâu chịu tiếc cái chết”.

Trước lời cương trực, thống thiết đó, vua Tự Đức cũng phải ngậm ngùi: “Lời ngươi thống trách, đều là lỗi của trẫm vậy…”.

Ông làm quan liêm khiết, chính trực khiến trong triều ngoài nội đều nể phục. Những lời can gián, khuyên răn của ông nhiều lúc phạm vào điều kiêng kỵ nhưng vì quốc gia, xã tắc ông đều nói thẳng vào vấn đề không màng hậu quả sẽ như thế nào. Nói về Thân Văn Nhiếp, vua Tự Đức còn khen ông: “… thường lấy những câu người ta khó nói, không thẹn tiếng trung thực”. Tiếc là ông mất vào năm 1872, khi thế nước đang trên đà suy yếu, rồi dần dần về tay thực dân Pháp chỉ mười mấy năm sau. Thân Văn Nhiếp là tấm gương của một trung thần, của kẻ sĩ thành tín, trách nhiệm. Ông sống người đời yêu mến, mất cũng được tưởng nhớ lâu dài.

Những việc trên đây, Thân Văn Nhiếp thẳng thắn ngay với cả vua Tự Đức, nhiều khi đụng chạm đến uy phong của một đấng thiên tử. Nhưng lời của ông thiết tha, xuất phát từ cái tâm của một bề tôi trung thành, một vị quan thương dân và có lòng yêu nước sâu sắc khiến nhà vua cũng phải cảm phục, ngợi khen. Người như thế rất cần trong mọi xã hội, mọi thời điểm, góp phần thay đổi, nhận diện và có những góp ý, khuyên bảo kịp thời để xã hội, đất nước phát triển theo chiều hướng tích cực.

Lê Vũ Trường Giang

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

PHỐ CỔ BAO VINH-HUẾ

Có một góc Huế vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính, đó là phố cổ …