Nghiên cứu tạo sự chủ động

Giáo viên (TP. Huế) tham gia công tác coi thi (Ảnh minh họa). Ảnh:HỮU PHÚC

Chuyện thời sự nhất hiện nay của ngành giáo dục là thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc. Ngành giáo dục thiếu giáo viên nhưng việc tuyển dụng bù đắp thì không phải ngành giáo dục, bởi quản lý ngành dọc là Bộ Nội vụ. Theo ông Sơn, để bù đắp thiếu hụt giáo viên “sau vài năm tha thiết đi xin, đã xin thêm được hơn 65.000 biên chế cho ngành giáo dục từ nay đến năm 2025. Trong khi đó, năm nay dự kiến sẽ tuyển 27.850 giáo viên thì 2 năm vừa rồi đã có gần 29.000 giáo viên bỏ việc”.

Chúng ta hay nói giáo dục là quốc sách hàng đầu. Mà đúng là như vậy. Bởi chính từ giáo dục mới tạo ra con người có tri thức, có kỹ năng, có cảm xúc… Những thứ này là nòng cốt cho các ngành, các lĩnh vực, xã hội phát triển. Nhưng có vẻ như giữa xác định vị thế của giáo dục và làm thế nào cho giáo dục đứng ở vị thế “Quốc sách” thì lại chưa.

Ví dụ như lương bổng. Từ năm 2006, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc đó là ông Nguyễn Thiện Nhân, trong cuộc gặp mặt với các nhà giáo nhân dân và các giáo sư đã nói, bộ đang trình đề án cải cách tiền lương lên Chính phủ, để đến năm 2010 giáo viên có thể sống được bằng lương. Đó là mong muốn của ngành giáo dục nhưng chính ông Nhân cũng không chắc chắn. Ông chỉ có thể nói rằng “có thể”. Tức là chiều ngược lại vẫn có thể diễn ra – có thể không sống được bằng lương.

Và cho đến hôm nay thì lương bổng của giáo viên như thế nào? Vẫn không đủ sống. Hàng chục ngàn giáo viên nghỉ việc, chuyển việc trong thời gian qua cho thấy, một trong những nguyên nhân là lương không đủ sống. Giáo viên nghỉ nhiều nhưng nguồn bù đắp bị thiếu hụt, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Nó như một phản ứng dây chuyền – đời sống khó khăn nên giáo viên nghỉ việc hoặc không chọn ngành giáo dục. Đã vậy thì đội ngũ giáo viên bị thiếu. Giáo viên bị thiếu thì ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Nhìn rộng hơn là ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ đời sống kinh tế và đời sống xã hội. Xác định vị thế quốc sách của giáo dục cũng chính là vậy, là bởi sản phẩm của giáo dục là yếu tố đầu vào, suy cho cùng là quan trọng nhất cho phát triển kinh tế, phát triển xã hội. Nói chung là phát triển đất nước.

Chúng ta cũng không quá lạc quan để tin rằng, trong ngày một ngày hai bỗng dưng ngành giáo dục trở nên tiên tiến. Muốn tiên tiến thì cần nhiều yếu tố – ngoài chương trình, phương pháp đào tạo, cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên… phải đồng bộ, nhưng những điều này Việt Nam chúng ta còn thiếu nhiều. Đã thiếu lại còn chồng chéo trong quản lý nữa thì đúng là những khó khăn có vẻ như khó giải quyết mà còn tăng lên. Ví dụ như tình trạng thiếu giáo viên từ trước đến nay không nghe hoặc ít nghe nói thì nay đã trở thành vấn đề. Còn lương, cũng chừng ấy lương nhưng do chậm cải cách, giá trị tiền lương không theo kịp với sự mất giá của đồng tiền (trượt giá hàng hóa và dịch vụ) nên đời sống của giáo viên ngày càng khó khăn hơn…

Xem ra ngành giáo dục còn quá nhiều việc phải làm. Nhưng có lẽ điều quan trọng đầu tiên đối với ngành là nghiên cứu để tạo sự chủ động cho mình.

NGUYÊN LÊ

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …