Ngày giỗ liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng ở thôn Đồng Di tây

Lễ hiệp kị liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng giờ đã thành lễ lớn trong hai ngày của người dân làng Đồng Di tây​

Thôn Đồng Di tây, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang là địa danh cách mạng. Tinh thần chiến đấu bảo vệ quê hương và các đồng chí hoạt động bí mật tại địa phương trong kháng chiến chống Mỹ của người dân thôn Đồng Di tây được gói gọn trong hai câu thơ: “Không đi chính phủ tình nghi/ Đi thì sợ lính Đồng Di tây hồ”. Nhiều thế hệ sau này giải thích rằng, thanh niên ở Huế thời đó có phần e dè vì nếu trốn đi lính cộng hòa thì sợ chính phủ tình nghi là đã đi theo cách mạng. Nhưng nếu đi lính thì sợ gặp phải du kích ở thôn Đồng Di tây hồ…

Chiến tranh qua đi, hòa bình lặp lại, đất nước thống nhất, những người con của thôn Đồng Di tây hồ lần lượt trở về làng. Sau chiến tranh, cả thôn còn 120 hộ. Trong 120 hộ đó có 20 bà mẹ được nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Cả thôn có 77 liệt sĩ ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến và một liệt sĩ ngã xuống trong thời bình. Trong số 78 liệt sĩ, có một người được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, được đặt tên đường tại trung tâm thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang.

Tôi tìm thấy tất cả những thông tin này trong kí ức của người già. Bởi với họ bây giờ kể không chỉ để kể. Mà kể là để hiểu rõ hơn tại sao người Đồng Di có ngày giỗ chung cho liệt sĩ và Mẹ Việt Nam Anh hùng. Mất mát nhiều, đau thương lắm nên họ biết quý hòa bình. Biết trân trọng những người đã hi sinh cho đất nước. Sau chiến tranh, nhiều liệt sĩ là con dân của thôn Đồng Di có tới hai ngày giỗ. Một ngày giỗ đúng ngày họ nằm xuống. Và một ngày nữa, khi cả nước hướng về thương binh, liệt sĩ- những người đã vĩnh viễn nằm lại, hoặc đã để lại một phần máu thịt trên các chiến trường cho ngày đất nước được thống nhất.

Đêm trước ngày 27/7, trong khói hương lễ cúng Thiên Tường mời các liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng về nhà bia đặt bên cổng làng Đồng Di tây, ông Đặng Quốc Sim, người dân thôn Đồng Di kể rằng, trước đây bà con cúng ngày 27/7 theo quy mô gia đình. Nhưng mãi sau này, khi gia đình các liệt sĩ đã gặp nhau lập thành Hội thân nhân liệt sĩ thì những công việc hướng về người đã khuất được tiến hành thường xuyên, có quy mô hơn. Trước hết là bà con đã vận động nhau dựng nhà bia đặt ngay bên cổng làng. Trên bia có khắc đủ họ tên các liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng ở quê hương và một bài văn để ghi nhớ, tri ân những đóng góp, hi sinh không thước nào đo được.

Sau khi dựng được bia, từ năm 2012, Hội đã tổ chức lễ hiệp kị các liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng vào ngày 27/7 hàng năm. Một hai, năm đầu, lễ hiệp kị chỉ gói gọn trong hội thân nhân liệt sĩ để thỉnh cầu cho 78 liệt sĩ, 20 mẹ Việt Nam Anh Hùng ở thôn. Nhưng những năm sau đó, Hội đã mở rộng, tiến hành hiệp kị, mời các nhà sư chùa Từ Hóa về làm lễ cầu siêu cho tất cả các liệt sĩ không kể là người trong hay ngoài địa phương. Từ đó, sức lan tỏa cũng mạnh mẽ hơn. Đến nay lễ hiệp kị, cầu siêu cho liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng đã trở thành lễ lớn của toàn bộ người dân thôn Đồng Di tây, xã Phú Hồ.

Cũng là người con ở thôn Đồng Di tây nhưng sống ở thành phố, bà Dương Thị Tuyết nhiều năm nay đã tập thói quen về quê chuẩn bị cho ngày giỗ liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng từ chiều ngày 26/7. Tiếng là về để chuẩn bị, nhưng công việc cho bà không có nhiều. Mọi người đến đây có thể đóng góp bằng sức người hoặc tài vật để lo lễ cúng. Bà về sớm chủ yếu là được sống tình cảm quê hương, nơi cả trăm con người đang cùng một tâm niệm. Trong ngày giỗ chung, bà con trong và ngoài địa phương đến trước là thắp nén hương nhớ người đã khuất, sau là ngồi lại với nhau. Qua đó câu chuyện truyền thống, về những người con của làng đã được lưu truyền từ người này sang người khác, từ đời này sang đời khác.

Bài, ảnh: Dương Quang Nhật

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …