Nệm rơm nồng nàn

Với người dân quê và những đứa trẻ thế hệ 7X, 8X chúng tôi của những năm một nghìn chín trăm hồi đó, đệm bông hay các loại đệm cao su công nghiệp là thứ rất xa lạ. Ngày ấy, chỉ có chiếc đệm rơm quý giá, món quà tuyệt vời của đồng quê ban tặng là thân thuộc. Cả nhà 4, 5 người nằm san sát trên chiếc giường chẳng lấy gì to rộng nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy chật chội gì, cứ ôm nhau nằm thẳng, có chăn bông đắp đã là sướng rồi. Chẳng có giá trị tiền bạc gì, nhưng chiếc nệm rơm là thứ đã giúp người dân quê chống lại cái giá rét mùa đông khắc nghiệt. Và tôi, đã đi qua bao mùa đông thật vui, thật nhiều ký ức đẹp đẽ với chiếc nệm rơm huyền thoại ấy.

Để có được những chiếc nệm rơm tốt nhất, thì vào mùa gặt tháng mười, mẹ tôi đã cẩn thận chọn rơm. Những bó rơm nếp được buộc túm từng nắm gần ngọn đem tõe ra như hình những chiếc nón phơi bên trên gốc rạ. Rơm khô được cất ở chỗ cao ráo để chống ẩm mốc và giữ được mùi thơm. Công việc làm nệm rơm cũng… lý thú ra trò. Bố luôn đợi qua đợt lạnh đầu mùa rồi mới làm nệm, vì ông muốn trông thấy những ánh mắt đen tròn háo hức, xoa xuýt mong ngóng nệm ấm của đàn con.

Những bó rơm thơm đem xuống, chị em chúng tôi ùa tới phụ giúp. Đôi bàn tay nhỏ bé một tay nắm vào ngọn rơm, một tay lồng vào bó rơm cào xuôi xuống như răng lược, bỏ bớt đi những lá rác nhỏ, rồi đập nhẹ vào cột nhà cho bớt bụi nhám. Bố kỹ lưỡng vừa xếp từng nắm rơm vừa giằng buộc, sao cho chiếc nệm có độ dày chừng một gang tay là được. Sau đó ông định vị và cột chặt vào dát giường, thang giường cho chúng không xô lệch. Trước khi trải chiếu phủ lên trên nệm, bố còn cẩn thận lót xuống dưới chiếu vài mảnh bao sọoc rắn nhằm giảm thiểu tối đa việc bị nhặm rơm. Tôi đặc biệt thích cái cảm giác sau khi trải chiếu lên, được nằm lăn qua lăn lại, nghe tiếng động rào rạo của rơm, thấy thân thể như bay bổng. Mùi thơm rơm nếp tỏa ra mới thật quyến rũ làm sao, nằm xuống hít hà chốc lát là say ngủ được ngay.

Làm xong chiếc nệm rơm mới, bố khấp khởi vui như thể vừa có được thứ gì rất quý giá. Ông còn rất tâm lý, dành thời gian ken thêm một cái nệm rơm mỏng hơn, trải chiếc chiếu thường dùng ăn cơm lên, đặt cạnh nơi chậu sưởi của bà để mấy chị em có thể ngồi học bài. Gài tấm cửa cót lại ngăn gió lùa, bà đặt lên chậu than cái kiềng ba chân, sáng đun nước chè xanh, xế trưa rang ngô, luộc khoai… Tôi cứ vừa học vừa nhấp nhổm mong ngóng món ngon trên bếp của bà, lòng náo nức biết bao. Có khi ngồi học mỏi lưng, định bụng nằm nghỉ một tí mà rồi ấm quá ngủ quên luôn lúc nào không hay.

Làng tôi bây giờ đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhà cửa khang trang, nếp sống văn minh, đời sống vật chất và tinh thần đủ đầy hơn xưa rất nhiều. Người quê nhiều năm nay tìm đường ra phố làm ăn, họ biết ăn ngon, mặc đẹp chứ không chỉ ăn no, mặc ấm như xưa nữa. Rét buốt, mưa lạnh chẳng có gì phải sợ vì giờ có nhiều loại quần áo đủ các chất liệu như phao, len, dạ; quần tất, giày – bốt, mũ, khăn… siêu ấm, chăn điện, chăn đệm siêu nhẹ, công năng giữ ấm tuyệt vời. Nhà nào có điều kiện thì lắp máy điều hòa hai chiều… Về quê chẳng còn thấy mấy ai đốt chậu than làm “lò sưởi” vì đã có quạt sưởi tiện dụng, an toàn. Người dân làm ăn xa, một năm ngoài các ngày lễ tết, thì cũng chỉ thêm vài ba bận về qua nhà khi có việc cần kíp, thế nên cái cảnh cả nhà ngồi quây quần bên bếp than ăn cơm, trò chuyện cũng dần trở nên xa xỉ.

Cuộc sống nhiều đổi thay, nhưng với một kẻ hay mơ mộng và hoài niệm như tôi, thì cứ luôn tin rằng, hẳn rất nhiều người lớn lên ở làng quê vẫn sẽ nhớ chiếc đệm rơm trong ký ức. Đó mãi là món quà mộc mạc mà đầy dư vị ngọt ngào, ấm áp yêu thương của đồng quê một thuở.

Mai Đình

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

BẢO TỒN NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH HUẾ – TINH HÓA VĂN HÓA VIỆT NAM

Nhã nhạc cung đình Huế là một di sản văn hóa độc đáo của Việt …