Mô hình trồng giống lúa chất lượng cao ở Quảng Điền. Ảnh: Hải Triều
Nhớ lại, cách đây hơn 20 năm, tỉnh ta thực hiện mô hình nuôi cá ba sa dưới chân hồ Hòa Mỹ. Mô hình này ra đời cũng từ vốn hỗ trợ khuyến nông. Kết thúc mô hình thí điểm được đánh giá là hiệu quả. Xong rồi, thì như chúng ta thấy, kết thúc khuyến nông cũng là lúc mô hình kết thúc.
Cách đây cũng nhiều năm, tôi có tham dự một buổi tổng kết mô hình khuyến ngư nuôi cá ong căn quảng canh trong hồ ở thị trấn Phú Lộc. Mô hình này được vốn khuyến nông hỗ trợ con giống, hỗ trợ một phần thức ăn. Khi nghiệm thu cũng được đánh giá là hiệu quả. Hiệu quả, nhưng nó cũng không tồn tại lâu và không thể nhân rộng ra được…
Khuyến nông hoặc nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp là việc phải làm. Vai trò của Nhà nước ở đây là hết sức quan trọng. Không có sự dẫn dắt của Nhà nước thì với nguồn lực hạn hẹp của người dân cũng như những hiểu biết có phần có hạn, khó có thể tiên phong đi vào thực tế. Vai trò quan trọng của Nhà nước ở đây là dẫn dắt, “đầu tư mồi” để tạo ra tiền lệ. Khách quan mà nói, có nhiều mô hình chuyển giao khoa học đã đưa lại nguồn lợi rất lớn cho người nông dân – ví dụ như nuôi tôm, trồng nấm chẳng hạn.
Làm thế nào để các mô hình này có sức lan tỏa, phát triển được ra diện rộng mới là điều quan trọng? Còn không, chúng ta luôn luôn trình diễn mô hình như mấy mươi năm qua vẫn làm, cũng triển khai, cũng tổng kết nhưng đời sống nông dân thì không khá hơn lên là mấy? Việc thực hiện mô hình thành công ở năng suất, chất lượng – ví dụ vậy chỉ là một việc – còn hiệu quả kinh tế và khả năng nhân rộng lại là một việc hoàn toàn khác. Khi thực hiện mô hình, Nhà nước đã hỗ trợ một phần điều kiện. Nếu như không thành công người nông dân cũng không chịu rủi ro nhiều. Khi thành công thì người nông dân được hưởng lợi. Một khi hết sự hỗ trợ của Nhà nước, nghĩa là nông dân tự bỏ vốn ra làm, thành công hay thất bại hoàn toàn đặt trên vai người nông dân.
Các mô hình trình diễn khuyến nông được cho là hiệu quả, nhưng tại làm sao khả năng nhân rộng không cao? Phải chăng nó nằm ở những lý do sau: Thứ nhất, yêu cầu tính đúng, tính đủ của chi phí đầu vào. Khi thực hiện các mô hình thí điểm, gọi là mô hình khuyến nông (nông nghiệp, ngư nghiệp hay chăn nuôi), Nhà nước đều hỗ trợ một phần kinh phí. Có khi là một phần vốn đầu tư xây dựng, hỗ trợ con giống, hỗ trợ kỹ thuật… Tất cả những thứ này đều là yếu tố đầu vào của sản xuất. Dù là vốn của ai thì cũng nhất thiết phải tính đúng, tính đủ mới có thể hạch toán hiệu quả kinh tế được. Như vậy, ở đây đòi hỏi sự minh bạch cao. Muốn minh bạch thì cần thiết có sự tham gia của một yếu tố độc lập (ví dụ như một đơn vị nào đó có chức năng hay báo chí chẳng hạn). Để thuyết phục người dân bằng một báo cáo chỉ có những người “trong cuộc” làm và đưa ra kết quả là điều không dễ. Làm sao có thể xác tín tính chính xác ở đây?
Thứ hai, mỗi mô hình khuyến nông, hay nghiên cứu khoa học (ở đây gói gọn trong lĩnh vực nông nghiệp) đều sử dụng một phần vốn của Nhà nước. Hãy xem xét hình thức đấu thầu dự án để tránh tình trạng “lợi ích nhóm”. Một khi có tính chất lợi ích nhóm xen vào thì không ai dám đảm bảo tính minh bạch được thể hiện cao. Ví dụ như vừa rồi từ một phần nguồn vốn khuyến nông của Trung ương ở tỉnh ta đã triển khai mô hình nuôi cua gạch. Theo những thông tin được công bố thì mô hình này hiệu quả. Có 2 điểm triển khai mô hình với diện tích 2,5 ha. Sau thời gian nuôi, kết quả thu được từ 2 điểm nuôi gần 3 tấn. Cũng thông tin nói trên, giá bán cua gạch hiện tại ở các nhà hàng, khách sạn là từ 350 – 400 ngàn đồng/kg. Chúng ta cứ giả sử như lấy theo giá thị trường nói trên thì 2 điểm nuôi này đưa lại doanh thu có thể trên dưới 1 tỷ đồng. Ở đây cần làm rõ hiệu quả đưa lại cao là như thế nào, đã tính đúng tính đủ yếu tố đầu vào chưa? Tức là cần sự rõ ràng minh bạch. Đợi một thời gian nữa chúng ta xem thử mô hình này có nhân rộng được không và sức lan tỏa của nó như thế nào…?
Nếu hiệu quả cao mà người dân không làm theo thì cần thiết phải xem xét kỹ hơn các yếu tố thực hiện mô hình. Ví dụ như một câu hỏi tại sao lại vậy? Không có lý gì hiệu quả cao mà người dân không làm theo. Như vậy, chúng ta thấy có một đòi hỏi cần đặt ra là cách thức làm khuyến nông cần thiết phải có sự thay đổi. Tức là phải đi từ việc xây dựng mô hình đến đánh giá kết quả của sự lan tỏa. Nghĩa là, không phải Nhà nước duyệt bao nhiêu vốn đó, một người hoặc một nhóm người nào đó nhận triển khai mô hình. Triển khai xong một chu kỳ rồi đánh giá kết quả, quyết toán dự án về mặt kinh phí, coi như là xong, còn độ lan tỏa như thế nào cũng không hề biết. Vì mục đích cao nhất của xây dựng mô hình là để nhân rộng chứ không phải chỉ để nhận biết.
Bình An