Làng là hồn cốt

Ngay từ chiều 10/7/2022, phiên chợ “Hương xưa làng cổ” lần thứ 3 được tổ chức. Đi chợ phiên này, người dân và du khách được thưởng thức các món ăn dân dã truyền thống của địa phương; mua về các nông phẩm của làng quê, của làng nghề đệm bàng Phò Trạch, làng gốm Phước Tích. Đến với phiên chợ, du khách và các em nhỏ cũng được đắm mình trong các trò chơi dân gian; được trải nghiệm làm gốm, đan đệm bàn, làm bánh; đi thuyền rồng ngắm cảnh trên sông Ô Lâu, đạp xe, tham quan nhà rường, khám phá các điểm di tích lịch sử, văn hóa. Lễ hội “Hương xưa làng cổ” được tiếp diễn vào cuối tháng 7 này như sự khởi đầu cho lễ hội Mùa Thu – Festival Huế 2022 đầy mới lạ.

“Hương xưa làng cổ” có điểm nhấn là làng cổ Phước Tích (ngôi làng thứ hai của Việt Nam được công nhận là làng di sản cấp quốc gia vào năm 2009). Được hình thành từ thế kỷ 15, cùng với những ngôi nhà rường độc đáo và công trình thờ tự cổ kính uy nghiêm, điều khiến làng Phước Tích trở nên đặc sắc là có nghề truyền thống làm gốm với những sản phẩm từ xa xưa đã trở thành những sản phẩm quý chuyên để dâng lên cho vua chúa triều Nguyễn.

Nhân câu chuyện về Phước Tích với “Hương xưa làng cổ”, lại nhớ đến nhận xét của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về du lịch Huế và theo tôi cũng là dành cho làng Huế, rằng độc đáo không nơi nào có được, các nơi khác cũng có nhưng không bằng, đã được quốc tế công nhận và còn nhiều bí ẩn đang chờ khám phá. Tần ngần lật giở sách xưa mới thấy, làng xưa ở xứ Huế đều hội đủ. Độc đáo như làng Sình vẽ tranh hay làng Chuồn làm liễn. Cũng làm nón lá, nhưng nón Phủ Cam, Dạ Lê, Tây Hồ… khó có nơi bằng. Hay các làng quê nơi thượng nguồn sông Truồi, như La Khê, Phú Sơn, An Hà… đầy bí ẩn với những khám phá thú vị về quá trình ra đời và những phong tục. Rồi như Phước Tích với om “ngự” và những đồ gốm một thời được bán sang tận Nhật Bản và được sử dụng trân trọng trong các buổi tiệc trà ở xứ sở mặt trời mọc.

Cách nay không lâu, Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế đã cho ra mắt công trình “Làng văn vật Thừa Thiên Huế”. Đọc sách, vẫn còn thấy hụt hẫng khi cách giới thiệu về những làng được vinh danh là văn vật nhưng còn sơ sài, chưa lột tả được hết được những giá trị đặc sắc và đóng góp lớn lao vào kho tàng truyền thống của làng, xã Việt Nam. Tuy nhiên, lại thấy thích thú khi có cơ hội tiếp cận, dù chỉ mới dừng lại trên trang sách và những chấm phá, về những làng quê độc đáo, ngay cả tên gọi của xứ Huế.

Chợt như cảm nhận ý nghĩa sâu sắc của những chuyến đi về tận các làng quê gần đây, do đích thân ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dẫn đầu, nhằm kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Nói như ông Thọ khi ở làng Thạch Bình (Quảng Điền): “Chuyến khảo sát là cơ sở để Tỉnh ủy đánh giá lại việc xây dựng làng văn hóa trong xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay, trong đó, sự đóng góp của các họ tộc, các làng là rất quan trọng. Làng văn hóa là cội nguồn sức mạnh trong phát triển, là hồn cốt, là nền tảng để xây dựng văn minh đô thị, nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn hóa mà chúng ta phải gìn giữ, phát huy”.

ĐAN DUY

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …