Đó là chuyến xe muộn. Trong khi nán lại cùng vợ chồng đứa cháu chờ xe xuất bến, chúng tôi ngồi lại một quán cà phê cóc và gặp hai vợ chồng Thành đang nôn nao trước giờ đi. Không đến mức là phải “xuôi vạn lý” vì cả hai đã từng có quãng thời gian làm lụng khá lâu ở Sài Gòn, hẳn vợ chồng họ bồn chồn vì thương lũ nhỏ. Lắng nghe từ cuộc trò chuyện không mấy lâu, tôi vẫn nhận ra ở họ một kỳ vọng, nếu chịu khó trong những ngày sắp tới. Chỉ là người mới gặp, mà sao cứ nghe trong mình niềm thương…
Không biết có chừng bao nhiêu người đã về, rồi lại rời đi tìm việc như vợ chồng Thành. Cuộc sống là vậy, nước chảy chỗ trũng mà. Thông tin mà tôi thu nhận được cho thấy, nhu cầu việc làm đang rất lớn, nhất là những tháng cuối năm. Đây cũng là quãng thời gian các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang rất cần người để tập trung cho các đơn hàng cuối năm, cũng như chuẩn bị cho vụ tết không còn bao xa. 69.500 đến 77.100 chỗ làm việc đang cần là con số mà thành phố lớn nhất nước có thể xác định được. Tập trung trong số này nhiều nhất vẫn ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ với tỷ lệ 66%. 33% ở mảng công nghiệp và xây dựng. Đấy là chưa kể đến nhu cầu của những người lao động theo dạng phổ thông, giúp việc gia đình, chạy grap hay có thể là bất cứ công việc gì mà họ tìm được.
Tương tự TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu việc cần người ở Hà Nội cũng đang có chiều hướng gia tăng trong những tháng còn lại của năm 2022. Xây dựng, dệt may, da giày, chăm sóc sức khỏe, thương mại, dịch vụ, công nghệ thông tin hay công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đang hút nhân lực. Đa phần trong số này đến từ các tỉnh miền Bắc, trung du Bắc bộ hay bắc miền Trung. Những thông tin về sự cần và chuyển dịch lao động này đồng thời cũng cho thấy một sự thay đổi tích cực của nền kinh tế. Nhất là sau hai năm gần như ngưng đọng, hay cầm chừng của các khu công nghiệp, chế xuất, dịch vụ và ngay cả ở lao động phổ thông đơn thuần ở các đô thị do dịch bệnh “càn quét”.
Ngoài việc cần người, còn có điều gì thu hút nguồn nhân lực lớn đến các trung tâm kinh tế ở hai đầu đất nước? Mức lương chắc chắn là điều quan trọng, nhưng bên cạnh đó là tổng thu nhập và các chế độ phúc lợi – một hình thức kích cầu đến người lao động. Một công bố từ bảng xếp hạng của VBE500 (top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam) cho thấy, 49% DN trong số này đã tăng nhẹ chính sách phúc lợi cho nhân viên, 24% DN khác cho hay cũng tăng ở một mức đáng kể. Bên cạnh đó là những hỗ trợ chi phí cơ hội khác như đào tạo kỹ năng, chăm sóc sức khỏe, có thời gian và địa điểm linh động đối với một số ngành nghề cụ thể…
Dù không nhiều như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay một số tỉnh, thành trọng điểm khác, nhưng hiện đây cũng là thời điểm một số DN, cơ sở sản xuất ở Thừa Thiên Huế có nhu cầu và tăng nhẹ về nhân lực lao động. Trên 3.800 chỗ làm là nhu cầu đang có của 49 DN trên địa bàn (nguồn Sở Lao động – Thương binh và Xã hội), trong đó có gần 1.650 là lao động phổ thông, lao động có trình độ sơ cấp nghề, còn lại là lao động có trình độ cao đẳng (trên 300) và đại học.
Có thể mường tượng được một sự dịch chuyển đến từ nhu cầu việc làm và nhu cầu sử dụng lao động. Đó âu cũng là lẽ thường tình. Chỉ mong sao trên hành trình “xuôi vạn lý” này, người lao động sẽ có một công việc, một khoản thu nhập đủ để đảm bảo cuộc sống cho mình và gia đình, như cách mà Thành – người tôi gặp trong tối muộn hôm nọ mong mỏi.
NGUYỄN BÌNH AN